MangYTe

Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Chất bảo quản thực phẩm nguy hiểm như thế nào?

Chất bảo quản được sử dụng để giữ cho thực phẩm tươi lâu và để được dài ngày. Liệu chất bảo quan thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào nếu sử dụng trong thời gian dài
Mục lục

Chất bảo quản được thêm vào thực phẩm để ngăn ngừa, hạn chế, hoặc làm chậm sự thối rữa, hư hỏng do vi khuẩn gây ra đối với thực phẩm. Điều này giúp tăng tuổi thọ của sản phẩm và đảm bảo chúng không bị mất đi hương vị trong một khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, không phải chất bảo quản nào cũng tốt đối với sức khỏe con người, vì vậy chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ về các chất bảo quản trước khi sử dụng.

Chất bảo quản thông thường có 2 loại: chất bảo quản tự nhiên chất bảo quản hóa học tổng hợp:

1. Chất bảo quản tự nhiên

Đây là những thành phần được sử dụng để bảo quản nguyên trạng. Thành phần hóa học của chúng không bị thay đổi và chúng không lẫn với các vật liệu tổng hợp. Trong hầu hết các trường hợp, chúng cũng có đặc tính chống ôxy hóa.

Chúng ta biết rằng chất chống ôxy hóa làm trì hoãn quá trình ôxy hóa hoặc lão hóa. Điều này cũng giống như chất bảo quản cần thiết, trì hoãn quá trình lão hóa của một mặt hàng thực phẩm để tăng tuổi thọ của nó.

Những hóa chất tự nhiên ngoài việc bảo quản tốt thực phẩm còn có tác dụng lưu giữ hương vị, màu sắc, dưỡng chất… ít ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng. Một số chất bảo quản được phép lưu hành rộng rãi như: chất catechin trích từ trà xanh, nisin, dầu, đường và muối...

Ngoài ra còn có một số phương pháp được sử dụng để bảo quản thực phẩm như phơi khô, làm lạnh, khử nước, đóng hộp, lên men.

2. Chất bảo quản hóa học tổng hợp

Các chất bảo quản này cũng được sử dụng để kéo dài thời gian, tuổi thọ của một sản phẩm, là những chất bảo quản nhân tạo hoặc được tổng hợp.

Thông thường chúng còn được gọi là 'phụ gia' trên nhãn thực phẩm, vì vậy hãy đọc nhãn cẩn thận trước khi mua hàng. Nước sốt cà chua, nước ép đóng gói, các loại nước sốt ướp thịt và mứt có thể chứa chất bảo quản nhân tạo.

3. Tác dụng phụ chủ yếu của chất bảo quản

Tác dụng phụ của những loại chất bảo quản bị cấm hiện nay sẽ khiến bạn không khỏi bất ngờ và rùng mình vì độ nguy hiểm chết người.

Tuyệt đối nói không với các loại chất bảo quản rất tác hại như: NaNO3, NaNO, Formaldehyt… NaNO3, NaNO: những chất hóa học trực tiếp gây ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, có thể gây ra đột biến DNA và sự thoái biến tế bào.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia hóa học cho biết những hợp chất này có nguy cơ gây ra các biến thể bệnh lý khác của DNA như bệnh Alzheimer, Parkinson do nó làm sai lạc hay biến đổi DNA bởi tác dụng của các nitrosamin, các hợp chất sinh ra khi thêm các nitrat vào những thực phẩm giàu protid.

Không thể không nhắc đến Formaldehyt (thường gọi là foc-môn): một hóa chất cực độc, nhẹ thì gây cay niêm mạc mắt, viêm đường hô hấp, hen phế quản, viêm phổi… thậm chí nặng có thể gây tử vong, quái thai.

Hợp chất này thường vẫn dùng để ướp xác. Nếu sử dụng trong xử lý thực phẩm, thực phẩm có thể lưu giữ được thời gian vô cùng lâu. Nhưng tác hại mà nó gây ra thì bạn đã thấy là vô cùng lớn.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, formaldehyde là chất kịch độc, không được sử dụng cho bất kỳ sản phẩm nào, đồng thời không được sử dụng làm phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên, vì có tính sát trùng cao nên vẫn được gian thương sử dụng.

Một hóa chất bảo quản khác đã được dùng trong bảo quản thịt đó là Clorin, chất này có khả năng gây kích thích mạnh lên hệ hô hấp.

Ở một nồng độ cao hơn 60ppm, Clorin có thể gây ảnh hưởng nặng đến phổi. Nếu chúng ta hít thở với nồng độ trên 1000ppm hoặc ăn vào với một hàm lượng tương đương thì có thể gây tử vong tại chỗ. Điều đó cho thấy, Clorin là một chất cực độc.

4. Một số chất bảo quản bị cấm khác

BHT (butylated hydroxytoluene) và BHA (Butylated hydroxyanisole) - gây nên chứng tăng động ở trẻ, nguy cơ dị ứng, và có thể làm phát triển khối u hoặc ung thư, có hại cho gan và hệ thần kinh.

Lưu huỳnh đioxít (SO2) - được sử dụng để bảo quản hoa quả sấy khô, gây dị ứng, tăng tần suất hen phế quản ở những người mắc bệnh hen, làm giảm vitamin B có trong thực phẩm.

Cacbon monoxit (CO) - gây những phẩn ứng phụ như ảnh hưởng trên hệ thần kinh, nhức đầu, chóng mặt…

Do vậy, thực phẩm tươi sống vẫn được ưu tiên hơn thực phẩm đông lạnh, tuy nhiên mỗi người đều phải nắm rõ kiến thức về chất bảo quản để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cả gia đình.

Hãy chọn mua những thực phẩm mà bạn biết rõ nguồn gốc, xuất sứ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và có được sự tin dùng của nhiều khách hàng. Hãy là người tiêu dùng thông minh và cẩn trọng!

Thu Hương

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/chat-bao-quan-thuc-pham-nguy-hiem-nhu-the-nao-25816/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY