(PetroTimes) - Sáng 17/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức hội nghị Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2023, thành phố Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đạt 91,43% và là năm thứ 2 liên tiếp đạt kết quả này.
Theo Bộ Nội vụ, năm 2023, Chỉ số CCHC cấp bộ được sử dụng đánh giá, xếp hạng 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 2 cơ quan đặc thù (Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc), bao gồm 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần. Chỉ số CCHC cấp tỉnh được sử dụng đánh giá, xếp hạng 63 UBND tỉnh, thành phố, với 8 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần.
|
Toàn cảnh Hội nghị |
Để triển khai, đánh giá xác định Chỉ số CCHC năm 2023, Bộ Nội vụ đã khảo sát hơn 89.000 phiếu, trong đó, có 39.765 phiếu của người dân; 49.458 phiếu điện tử khảo sát nhóm đối tượng là công chức, lãnh đạo, quản lý tại các bộ, địa phương và lãnh đạo các hội, hiệp hội.
Năm 2023 Chỉ số CCHC các bộ, cơ quan ngang bộ có 2 nhóm điểm: Đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, gồm 14 đơn vị: Bộ Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đạt kết quả Chỉ số CCHC dưới 80% có 3 đơn vị là: Bộ Y tế; Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương. Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng Chỉ số CCHC năm 2023, đạt 89,95%. Bộ Công Thương đứng cuối bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số CCHC năm 2023 đạt 78,03%.
Đối với kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 các tỉnh, thành phố được phân theo 2 nhóm: Nhóm A, đạt kết quả chỉ số từ 90% trở lên có 7 tỉnh, thành phố; nhóm B, đạt kết quả chỉ số từ 80% - dưới 90% có 56 tỉnh, thành phố.
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC với kết quả đạt 92,18%. Từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC cả nước. Xếp vị trí thứ 2/63 là thành phố Hải Phòng, đạt 91,87% (năm thứ 4 liên tiếp); thành phố Hà Nội xếp thứ 3/63, đạt 91,43% (năm thứ 2 liên tiếp). Năm 2022, Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đạt 89,58%. Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 là tỉnh An Giang, đạt 81,32%.
Với khối tỉnh, thành, đáng lưu ý kết quả đánh giá 8 chỉ số thành phần cho thấy, năm 2023, có 7/8 chỉ số thành phần tăng điểm và 1/8 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2022. Trong đó, tăng cao nhất là Chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số”, với mức tăng 6,6%; Chỉ số thành phần duy nhất có giá trị trung bình giảm so với 2022 là “Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”, với mức giảm 1,29%
Năm 2023, Bộ Nội vụ đã triển khai đo lường sự hài lòng của 40.230 người dân và thu thập được ý kiến phản hồi của 39.765 người dân thuộc mọi thành phần nhân khẩu học từ khắp mọi vùng, miền trong cả nước. Từ các ý kiến phản hồi đó, Bộ Nội vụ đã tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023.
|
Cán bộ bộ phận “một cửa” phường Việt Hưng (quận Long Biên) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. |
Kết quả khảo sát cho thấy, người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2023 (SIPAS 2023) ở mức 82,66%, tăng so với năm 2022 (80,08%). Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03% - 90,61%.
Tỉnh Quảng Ninh nhận được mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung cao nhất (90,61%); xếp thứ 2 là tỉnh Thái Nguyên (90,29%). Thấp nhất là tỉnh Bắc Kạn (75,03%).
Thành phố Hà Nội xếp thứ 21, tăng 9 bậc (năm 2022, thành phố Hà Nội đạt 80,16%, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Năm 2023, mức độ mong đợi của người dân đối với 10 nội dung cần cải thiện nằm trong khoảng từ 83,44% - 85,12%, trong đó 3 nội dung người dân mong đợi chính quyền cải thiện nhiều nhất là: Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, với mức 85,12%; tiếp đến là nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, với mức 85,11% và nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, với mức 85,03%.
Minh Châu