Vua Khang Hi thời Thanh của Trung Quốc có rất nhiều phi tử, nói tới người được ông sủng ái nhất, trừ những vị hoàng hậu chính cung ra thì chắc chắn phải nói tới Nghi Phi. Bà cũng là phi tử được vua Khang Hi sủng ái nhất trong những năm đầu Khang Hi.
Các Hoàng đế thời cổ đại, hậu cung có tận 3000 giai lệ. Tuy chỉ có một Hoàng đế, rất khó có thể sủng ái tất cả các phi tần nhưng cũng thường có một vài người phụ nữ thông minh lợi dụng đủ các thủ đoạn để được Hoàng đế độc sủng. Vua Khang Hi thời Thanh của Trung Quốc có rất nhiều phi tử, nói tới người được ông sủng ái nhất, trừ những vị Hoàng hậu chính cung ra thì chắc chắn phải nói tới Nghi Phi.
Bà cũng là phi tử được vua Khang Hi sủng ái nhất trong những năm đầu Khang Hi. Trong phim truyền hình “Khang Hi vi phục tư phỏng ký”, hình ảnh của Nghi Phi thực sự rất sống động, thể hiện được một nhân vật trong lịch sử. Khang Hi yêu Nghi Phi như vậy, cuối cùng thì bà có kết cục như thế nào?
Vào chốn hậu cung, được vua ân sủng.
Trong lịch sử, Nghi Phi trong hậu cung của Khang Hi tên là Quách Lạc La Thị, xuất thân trong Tương Hoàng Kỳ ở Mãn Châu, tuy khi ấy gia tộc của bà không được coi là hiển hách nhưng ít nhất cũng được coi là danh môn Mãn Thanh chính thống. Cha cũng là mệnh quan triều đình.
Ban đầu khi mới vào cung, Khang Hi đã có rất nhiều phi tần, một người không hề giỏi giang ở nhiều khía cạnh như bà thực sự rất khó có thể nổi bật trong những phi tần trong chốn hậu cung. Nhưng bà không hề từ bỏ bất kỳ cơ hội nào để tiếp cận Khang Hi.Cuối cùng cũng có một ngày, bà dựa vào trí thông minh và sự dịu dàng của mình hoàn toàn thu phục được trái tim của Khang Hi. Trong nhiều lần đi vi hành bên ngoài của mình, Khang Hi đều để bà đi cùng. Khi ấy, đây được coi là đãi ngộ cao nhất trong tất cả các phi tần, có thể thấy bà có địa vị như thế nào trong lòng Khang Hi.
Nhìn từ chế độ của triều Thanh, thường thì các nữ tử sau khi vào cung sẽ được sắc phong làm phi cấp một, đa số phi tần nếu sinh được con trai cho hoàng đế thì “dựa hơi con trai” để được thăng chức, được ân sủng nhưng Quách Lạc La Thị lại không như vậy. Bà còn chưa sinh được cho Khang Hi một người con nào thì đã được phong làm Nghi Tần. Tuy nhiên bà cũng không hề phụ lòng mong mỏi của Khang Hi, không lâu sau đó đã sinh được hoàng tử Dận Kỳ. Việc này khiến Khang Hi cực kỳ vui sướng, lập tức hạ thánh chỉ, gia phong Quách Lạc La Thị làm Nghi Phi.
Được Khang Hi sủng ái, sau đó Nghi Phi lại hạ sinh hai người con trai nữa là hoàng tử Dận Đường và Dận Tư, nhìn khắp chốn hậu cung bấy giờ, địa vị của bà không ai sánh bằng. Theo như ghi chép trong sử sách, mỗi lần vua Khang Hi xuất chinh đều viết thư tay cho bà để bày tỏ nỗi nhớ, khi trở về còn thưởng cho bà rất nhiều đặc sản, đây tuyệt đối là một ân sủng cực lớn mà chỉ riêng bà mới có được. Nhưng cùng với việc vua Khang Hi băng hà, cuộc sống hạnh phúc của Nghi Phi cũng phải đặt dấu chấm hết.
Ung Chính kế vị, đuổi ra khỏi hoàng cung
Năm Khang Hi thứ 61 (năm 1722), Khang Hi băng hà, Nghi Phi lúc này do sức khỏe không tốt đã nằm liệt giường từ lâu. Theo như tổ huấn của triều Thanh, sau khi vua băng hà, các phi tử phải hết lòng hết sức lo toan mọi việc nhưng do sức khỏe Nghi Phi không tốt, địa vị lại cao, cũng chẳng ai dám nói gì. Sau đó Nghi Phi nghe nói Khang Hi băng hà, bất chấp bệnh tật chạy tới trước linh cữu của Khang Hi khóc một cách đau đớn. Nhưng điều này lại chọc giận vị vua mới đăng cơ là Ung Chính. Ung Chính mắng chửi vị trưởng bối này ngay trước mặt mọi người.
Mẫu thân của Ung Chính không phải Nghi Phi mà là Đức Phi, tuy bà cũng sinh cho Khang Hi con trai con gái nhưng luôn không được sủng ái, thậm chí địa vị trong cung còn không bằng các phi tần trẻ tuổi bình thường khác. Dưới những quy định nghiêm ngặt và hậu cung đấu đá tranh giành nhau, Đức Phi hoàn toàn không thể so sánh được với Nghi Phi, thậm chí Nghi Phi còn thường xuyên làm ra những hành vi sỉ nhục Đức Phi.
Cũng chính vì điều này đã khiến Ung Chính luôn canh cánh trong lòng, thế nên sau khi Khang Hi băng hà, Ung Chính không hề phong cho Nghi Phi bất kỳ danh phận nào, thậm chí còn đuổi thẳng ra khỏi hoàng cung. Bất lực, Nghi Phi chỉ có thể chạy tới sống ở phủ của con trai Dận Kỳ của mình. Tuy không được thoải mái như trong hoàng cung, nhưng cũng may còn có con cháu ở bên, cũng coi như là không bị người khác bắt nạt, hưởng lạc những năm cuối đời.
Chung quy lại vẫn là sự tranh đoạt Hoàng quyền
Sau này có người cho rằng Ung Chính làm như vậy thực ra là đang bảo vệ Nghi Phi, nguyên nhân là vốn dĩ Nghi Phi không hề có thế lực gì, trước kia độc tôn địa vị trên cao đều là nhờ vào sự sủng ái của Khang Hi. Bây giờ Khang Hi đã băng hà, những phi tần vốn bị bắt nạt trước kia chắc chắn sẽ tìm bà báo thù. Vậy thì Ung Chính để bà ra ngoài cung ở với con trai hoàn toàn là để bảo vệ sự an toàn của bà.
Vậy trên thực tế rốt cuộc có thật như vậy không? Đáp án vẫn chưa chắc chắn, vì sau khi Ung Chính đăng cơ, ông đều sắc phong danh hiệu cho rất nhiều phi tử trước kia của Khang Hi, chỉ có Nghi Phi - người được Khang Hi cực kỳ sủng ái này lại không có. Từ đó có thể thấy, Ung Chính có thành kiến và lòng oán giận đối với Nghi Phi. Nhưng Ung Chính và Nghi Phi cũng chẳng có qua lại gì, tại sao ông lại làm như vậy? Đây cũng đã trở thành bí ẩn cả trăm năm chưa được giải đáp.
Thực ra, tất cả những điều này đều phải lật lại vụ “cửu tử đoạt đích”. Ung Chính Dận Chân là Lão Tứ, cũng là một trong những ứng viên sáng giá cho vị trí thừa kế ngai vàng. Ông tích lũy nhiều năm, có không ít tâm phúc trong và ngoài triều đình, nhưng để thực sự đi lên tới đỉnh cao của quyền lực thì bắt buộc phải tiêu diệt đối thủ cạnh tranh là Bát A Ca. Trong khi đó, một trong những cốt cán đắc lực trong tập đoàn thế lực của Bát A Ca lại là con trai Dận Đường của Nghi Phi. Dận Đường lại cực kỳ trung thành với Bát A Ca, luôn đối đầu với Tứ A Ca.
Ban đầu đứng sai đội cũng chẳng sao cả, quan trọng là sau khi Bát A Ca thất thế, Dận Đường vẫn không có ý định dừng tay, quay sang ủng hộ em trai của Dận Chân là Thập Tứ A Ca tranh giành hoàng vị. Kết quả mẫu thân Đức Phi lại bị Nghi Phi sỉ nhục, bản thân ở bên ngoài bị con trai Nghi Phi làm khó đủ đường, trong khi đó Dận Chân lại chẳng phải là người khoan dung độ lượng gì cho cam, ngược lại còn là người ân oán phân minh, có thù ắt báo. Thử nghĩ, trong trường hợp như vậy, sau khi Dận Chân đăng cơ làm hoàng đế thì sẽ đối xử tốt với nhà Nghi Phi sao?
Đương nhiên, là vua một nước, không thể thể hiện công khai những ý nghĩ hiểm ác này cho bàn dân thiên hạ biết được nhưng hành động thực tế đã chứng minh tất cả. Trong những ghi chép về Nghi Phi, thực ra đến đây là đã kết thúc, còn về việc cuộc sống với con trai bên ngoài hoàng cung như thế nào, những năm cuối đời đã gặp những chuyện gì thì trong sử sách đều không ghi chép. Tuy nhiên, chúng ta có thể tưởng tượng được, thời trẻ muốn gió được gió, muốn mưa được mưa, đến cuối đời bị rơi vào con đường như vậy, chắc chắn là âu sầu, hụt hẫng, trong lòng cũng không cam tâm.
- Video: Bí ẩn ngọn đèn "cháy sáng ngàn năm không tắt" trong lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng. Nguồn: VTV24.
Theo Vũ Phong/Công lý & Xã hội
Link bài gốc Lấy link
https://xahoi.congly.vn/khang-hi-cuc-ky-sung-ai-nghi-phi-nhung-lai-bi-ung-chinh-da-ra-khoi-hoang-cung-nguyen-nhan-la-bi-an-hang-tram-nam-310945.html
Theo Vũ Phong/Công lý & Xã hội