MangYTe

Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Những điều cần biết về cúm A H1N1

Thời gian gần đây, cúm A H1N1 đã quay trở lại và được cảnh báo với nguy cơ bùng phát thành dịch khá cao. Sau đây là những điều cần biết về cúm A H1N1 để bạn có thể hiểu rõ và có những biện pháp phòng ngừa thích hợp cho bản thân và các thành viên trong gia đình
Mục lục

Tuy đã bùng phát trở lại và có các ca tử vong được ghi nhận, nhưng cúm A H1N1 vẫn đang trong tầm kiểm soát để tránh các nguy cơ trở thành đại dịch. Để có thể an tâm phòng tránh và xử lý trước căn bệnh này, điều quan trọng nhất đó là chúng ta cần phải hiểu đúng và hiểu rõ về bệnh. Tránh tâm lý chủ quan hoặc quá mức hoang mang, lo lắng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và cuộc sống của chính bản thân chúng ta. Dưới đây là những điều cần biết về cúm A H1N1 mà bạn cần nắm rõ.

1. Cúm A H1N1 không phải là cúm gà (cúm gia cầm)

Đây là hiểu lầm phổ biến nhất hiện nay của người dân về cúm A H1N1. Trên thực tế, cúm A H1N1 là một loại cúm mùa phổ biến hiện nay, gây ra khi cơ thể bị nhiễm virus cúm A H1N1 và đôi khi còn được gọi là cúm lợn vì ban đầu các nhà khoa học cho rằng chủng cúm này có nguồn gốc từ lợn. Tuy nhiên, sau này virus cúm A H1N1 bắt đầu biến chủng và có được khả năng lây lan sang các động vật khác, khiến cho chúng ta dễ bị nhầm lẫn cúm A H1N1 là cúm gà giống với cúm A H5N1.

Thêm một điểm khác biệt giữa cúm A H1N1 và H5N1 đó là virus cúm A H5N1 chỉ lây lan từ gia cầm sang người, chứ không có khả năng lây từ người sang người như virus H1N1.

2. Ăn thịt lợn không có nguy cơ bị nhiễm cúm A H1N1

Virus cúm A có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70 độ C

Hiện chưa có bất kỳ trường hợp nào được ghi nhận về việc ăn thịt lợn sẽ có nguy cơ bị nhiễm cúm A H1N1. Trên thực tế, virus cúm lợn có thể bị tiêu diệt khi được nấu sôi ở nhiệt độ 70 độ C.

Cúm A H1N1 thường lây lan qua việc tiếp xúc giữa người với động vật (lợn) bị nhiễm bệnh, sau đó lây từ người sang người qua các đường hô hấp, hoặc khi chúng ta tiếp xúc với dịch tiết ra từ người bệnh khi ho, hắt hơi hay thậm chí là nói chuyện, sau đó mang nguồn bệnh lây vào cơ thể qua các đường mũi, miệng và mắt.

3. Đeo khẩu trang, giữ vệ sinh sạch sẽ và ăn uống đầy đủ giúp hỗ trợ ngăn ngừa các nguy cơ bị nhiễm cúm A H1N1

Đeo khẩu trang giúp chúng ta giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cúm A H1N1

Cách phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay để không bị nhiễm cúm A H1N1 chính là tiêm phòng vaccine. Các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi ở sạch sẽ, ăn uống đầy đủ để tăng cường khả năng miễn dịch sẽ hỗ trợ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh của chúng ta. Do đó, chúng ta cũng không nên vì thế mà lơ là và xem thường các biện pháp này.

4. Không ỷ lại vào các loại vaccine phòng ngừa cúm

Một lầm tưởng về cúm A H1N1 thường thấy khác đó là việc mọi người tin tưởng quá mức vào sức mạnh của vaccine. Thực tế cho thấy, ngay cả ở những nước phát triển, việc sản xuất vaccine cũng vô cùng có hạn vì virus phát triển chậm và có rất ít các công ty có thể đảm nhận vai trò sản xuất vaccine này. Thêm vào đó, để đảm bảo tất cả những người có nhu cầu đều được tiêm ngừa vaccine cũng sẽ mất một khoảng thời gian dài trong vài tháng. Do đó, khi bất chợt bùng phát dịch bệnh, có khả năng rất lớn chúng ta sẽ nhiễm bệnh mà không đợi kịp để được tiêm vaccine.

Thêm vào đó, vaccine ngừa cúm chứa các virus cúm đã bị vô hiệu hóa khả năng gây bệnh và có tác dụng bảo vệ khoảng 60-90%. Tuy nhiên, có một số trường hợp sau khi đã tiêm vaccine ngừa cúm vẫn bị nhiễm bệnh có thể do một vài nguyên nhân sau: do cơ địa không đáp ứng và tương thích với vaccine, do bảo quản vaccine không đúng cách khiến cho vaccine bị mất tác dụng, do nhiễm bệnh trong thời gian vaccine chưa phát huy tác dụng (2 tuần sau khi tiêm), hoặc do chủng virus cúm đã biến chủng khác với loại có trong vaccine. Chính vì thế, dù đã có vaccine phòng cúm, chúng ta vẫn không được phép chủ quan và lơ là các biện pháp phòng tránh khác.

5. Cần tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm một lần

Trên thực tế, chúng ta nên đi chích ngừa vaccine phòng cúm mỗi năm một lần, vì chủng virus cúm sẽ thay đổi hàng năm, khiến cho loại vaccine cũ không còn đủ điều kiện bảo hộ chúng ta khi virus cúm đã biến chủng. Do đó, chúng ta nên đi chích ngừa càng sớm càng tốt ngay từ khi có vaccine phòng cúm của năm đó để phòng bệnh một cách hiệu quả nhất.

6. Cúm A H1N1 được xếp vào là một loại cúm mùa

Cúm A H1N1 quả thật được xếp vào loại cúm mùa và thường xảy ra vào mùa đông từ tháng 10 cho đến tháng 3 ở các nước ôn đới, từ tháng 4 đến tháng 9 tại các nước thuộc nam bán cầu nhưng lại có thể xảy ra quanh năm ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Do đó, cúm A H1N1 hoàn toàn có thể bùng phát vào bất kỳ thời điểm nào tại Việt Nam.

7. Cúm A H1N1 nguy hiểm vì những biến chứng đe dọa đến tính mạng

Những biến chứng của cúm A H1N1 có thể khiến cho người bệnh tử vong

Thực tế, người mắc phải cúm A H1N1 có thể hoàn toàn khỏi hẳn khi được điều trị thích hợp. Tuy nhiên, điều khiến cúm A H1N1 trở nên nguy hiểm đó chính là những biến chứng đe dọa đến tính mạng mà nó gây ra. Người bệnh nhiễm cúm A H1N1 có thể bị suy hô hấp, bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy đa tạng và một số trường hợp còn tử vong. Chính vì thế, các bạn nên đến các bệnh viện gần nhất để được thăm khám và điều trị thích hợp khi có các dấu hiệu như:

- Sốt cao trên 38 độ

- Đau họng, nhức mỏi cơ

- Ho khan, sổ mũi

- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể và tiêu chảy

Nên lưu ý, dù chỉ là cúm mùa thông thường hay khi đang nghi ngờ mắc phải cúm A H1N1, chúng ta cũng nên đeo khẩu trang khi đến các nơi đông đúc như bệnh viện, trường học để tránh lây lan và đảm bảo vệ sinh, an toàn cho chính mình và cho cả những người xung quanh.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không tự ý sử dụng thuốc hay tự điều trị ở nhà khi đang nghi ngờ mắc phải các loại bệnh cúm. Tốt nhất hãy đến gặp và làm theo những chỉ dẫn của bác sĩ để có hướng điều trị đúng đắn và an toàn.

8. Cần làm gì để phòng bệnh cúm A H1N1 hiệu quả?

Để phòng ngừa cúm A H1N1, chúng ta cũng sử dụng các biện pháp giống với việc phòng ngừa cúm mùa thông thường, cụ thể:

- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, hạn chế tối đa việc sờ tay lên mắt, mũi, miệng. Cần che miệng khi ho khan và hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi và nên sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn cho mắt, mũi và miệng mỗi ngày.

- Tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm, đặc biệt là các đối tượng dễ nhiễm bệnh như phụ nữ có thai, trẻ em và những người đang mắc các bệnh mãn tính.

- Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng kết hợp với tập luyện để tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể chống chọi tốt hơn với các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.

- Thường xuyên vệ sinh nơi ở, lau dọn nhà cửa và các bề mặt hay tiếp xúc bằng các loại dung dịch khử trùng hoặc xà phòng, dung dịch lau nhà. Giữ cho nhà cửa, nơi làm việc, trường học thoáng mát, vệ sinh.

- Cuối cùng, bạn có thể đi tiêm phòng vaccine ngừa cúm mỗi năm nếu muốn đảm bảo sức khỏe và tránh các nguy cơ mắc bệnh cho bản thân và gia đình.

Trên đây là tất cả những điều cần biết về cúm A H1N1 mà bạn nên nhớ kỹ để có thể biết cách phòng ngừa và xử lý thích hợp khi cần thiết. Hãy duy trì một lối sống lành mạnh, hợp lý với các thói quen giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ để luôn khỏe mạnh và giảm thiểu nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm hiện nay.

Đừng quên việc tự theo dõi sức khỏe của bản thân và liên hệ ngay với các bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào để có thể đảm bảo an toàn và cách xử lý thích hợp nhất cho chính bản thân chúng ta cũng như những người xung quanh ta.

Hạnh Nguyên

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/nhung-dieu-can-biet-ve-cum-a-h1n1-25908/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY