Khởi động một ngày mới bằng một tách cà phê luôn là thói quen của nhiều người, vì nó sẽ chúng ta tỉnh táo và tràn đầy năng lượng hơn. Tuy nhiên, cà phê lại không phải là lựa chọn sáng suốt đối với những đối tượng này, nếu không muốn gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Không chỉ là một thức uống thơm ngon, cà phê còn mang đến khá nhiều lợi ích cho chúng ta. Vì vậy, sau bữa sáng, nhâm nhi một tách cà phê thật đúng là một điều tuyệt vời.
Lợi ích đầu tiên ta nhận được từ việc uống cà phhê đó là tăng sự tỉnh táo và khả năng tập trung. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, chất caffeine là một trong những chất kích thích phổ biến nhất của hệ thống thần kinh trung ương, từ đó giúp chúng ta tỉnh táo - tập trung và sáng tạo hơn trong công việc/ học tập.
Lợi ích thứ hai đó là giúp giảm stress. Thời điểm thích hợp nhất để chúng ta uống cà phê đó là buổi sáng hoặc đầu giờ chiều. Với buổi sáng là giúp nâng cao năng lượng làm việc, còn vào đầu giờ chiều là giúp giảm stress sau nửa ngày làm việc mệt mỏi và chúng ta cần một cái gì đó đủ kích thích sự tập trung hơn.
|
Theo đó, cà phê có tác dụng kích thích các dây thần kinh, làm tăng tiết những hormon stress như cortisol, adrenaline,... từ đó giúp các dây thần kinh hoạt động tốt hơn, tái tạo năng lượng và giảm đi sự mệt mỏi trong cơ thể (Ảnh: Internet) |
Những lợi ích khác có thể kể đến từ việc uống cà phê đó là hỗ trợ giảm cân, ngăn ngừa nguy cơ mắc tiểu đường loại 2, chống ung thư - đột quỵ, giảm tỷ lệ mắc các bệnh về trí tuệ vào não bộ như Alzheimer hay Parkinson,... Thế nhưng, cà phê không chỉ đơn giản là ai cũng uống được và uống lúc nào cũng được. Sẽ có những đối tượng cần hạn chế với cà phê vì họ sẽ gặp nhiều nguy cơ sức khoẻ hơn là những giá trị lợi ích nêu trên. Đặc biệt là các đối tượng sau:
1. Người đang mắc bệnh tim
Cà phê có khả năng làm tăng huyết áp tăng đột ngột, từ đó làm tăng nhịp tim. Điều này có thể dẫn tới rối loạn hoạt động thần kinh giao cảm, kích hoạt các cơn đau tim xảy ra.
Theo nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, những người thường xuyên uống cà phê mạnh sẽ dễ mắc phải các cơn đau tim hơn bình thường. Nếu uống khoảng 2-3 tách mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ bị đau tim lên đến 60%.
Nguyên nhân là do khi uống quá nhiều cà phê, lượng caffeine trong máu có thể tăng cao và không kịp chuyển hóa gây quá tải cho hệ tim mạch. Ngoài ra, uống cà phê cũng làm tăng lưu lượng tim, kích thích hô hấp, gây giãn mạch phổi và phế quản.
|
Những người có các vấn đề về tim mạch như nhịp tim nhanh, suy mạch vành, ngoại tâm thu hoặc đã từng bị nhồi máu cơ tim nên hạn chế sử dụng cà phê (Ảnh: Internet) |
2. Phụ nữ đang mang thai và cho con bú
Chất caffeine có trong cà phê có thể gây ra tình trạng đào thải nước và canxi ra khỏi cơ thể, dù 2 chất này vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của sản phụ đang mang thai và cho con bú. Ngoài ra, những sản phụ nếu đang bị thiếu sắt, khi uống cà phê có thể khiến tình trạng trầm trọng thêm. Bên cạnh đó, nếu lượng caffeine nạp vào cơ thể quá lớn, bà bầu có thể dễ bị đau đầu kèm theo các triệu chứng: khó chịu, tim đập nhanh, cảm giác bồn chồn, lo lắng…
Các nghiên cứu từng được công bố đều chỉ ra, caffeine có trong cà phê có thể truyền qua nhau thai tới thai nhi hoặc qua sữa mẹ. Khi caffeine truyền đến trẻ, có thể kích thích nhịp tim đập nhanh, gây cản trở tuần hoàn máu đến thai, còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển gan của bé. Nếu lượng caffeine bị nạp vào quá ngưỡng an toàn, sẽ gây ra nguy cơ dị tật thai, thai yếu, suy dinh dưỡng, thậm chí dẫn tới tình trạng sinh sẩy thai và sinh non.
3. Người gặp các vấn đề tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích
Chất caffeine có trong cà phê có thể làm nới lỏng “cơ thắt thực quản dưới” - là van giữa thực quản và dạ dày. Điều này khiến các chất axit trong dạ dày xâm nhập vào thực quản, dẫn đến các triệu chứng trào ngược khó chịu như khó thở, ho, buồn nôn.
Ngoài ra, chất caffeine cũng sẽ làm kích thích các hoạt động của đường ruột, trong đó có nguy cơ tiêu chảy (một trong những biểu hiện của hội chứng ruột kích thích) thường dễ xuất hiện nhất.
|
Nếu bạn có vấn đề hệ tiêu hóa, hãy hạn chế hoặc tránh dùng đồ uống có caffeine nếu không muốn tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng (Ảnh: Internet) |
4. Người thường xuyên căng thẳng, thiếu ngủ
Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, caffeine có trong cà phê sẽ không có tác dụng và không giúp cho bạn tỉnh táo hơn nếu như bạn ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi ngày trong 3 ngày liên tục, nghĩa là tình trạng thiếu ngủ của bạn sẽ trở nên trầm trọng. Nguyên nhân của vấn đề này là do việc bạn thiếu ngủ sẽ khiến cho cơ thể suy giảm năng lượng điều hành hoạt động nhận thức, mà lượng cafein không thể bù đắp vào được.
Khi bạn cảm thấy quá mệt mỏi và buồn ngủ thì điều tốt nhất bạn nên làm là chợp mắt khoảng 20 phút, những giấc ngủ ngắn này sẽ giúp bạn trở nên tỉnh táo hơn thay vì cứ liên tục uống cà phê cho tỉnh táo.
Mặt khác, nếu bạn đang có tâm trạng không được tốt thì việc uống cà phê có thể khiến tâm trạng của bạn càng trở nên tồi tệ hơn.
Theo các nhà khoa học, chất caffeine trong cà phê có tác dụng kích thích tiêu cực đến hệ thần kinh, sản sinh ra cortisol. Cortisol được sản sinh ra quá nhiều trong một lúc có thể khiến hệ miễn dịch bị suy giảm, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Nó khiến chúng ta cảm thấy uể oải, không còn sức lực để cố gắng trong suốt một ngày dài.
5. Người lớn tuổi
Cà phê có thể làm kích thích hệ thống thần kinh, làm tăng rối loạn tự trị ở người già, khiến họ làm mất đi nhịp hoạt động bình thường của cơ thể, từ đó không chỉ gây mất ngủ mà còn xuất hiện các triệu chứng bất ổn khác. Chính vì vậy, nhóm đối tượng này cũng không được khuyến khích tiêu thụ cà phê.
Dù rằng không hề nghiêm cấm sử dụng, nhưng những nhóm đối tượng nêu trên đều cần chủ động hạn chế uống cà phê hết mức có thể để tránh gây ảnh hưởng xấu cho sức khoẻ. Với những ai yêu thích và muốn uống, hãy hỏi xin sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ về định lượng và tần suất một cách cụ thể nhất, để thay vì mắc phải những ảnh hưởng nguy hiểm thì ta có thể nhận được những lợi ích tuyệt vời từ nó.
Xem thêm: 5 lợi ích tuyệt vời của chế độ ăn Địa Trung Hải đối với sức khoẻ chúng ta
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin