Từ việc bó chân đến việc chăm sóc cơ thể bằng các vật liệu có độc tính cao, những phương pháp chăm sóc sắc đẹp từ thời xa xưa dưới đây chắc hẳn sẽ khiến nhiều bạn đọc phải rùng mình.
Bó chân để có bàn chân nhỏ như gót sen
Phong tục này có nguồn gốc từ thế kỉ 10 tại Trung Quốc. Trong suốt hàng nghìn năm, người Trung Quốc cho rằng bàn chân nhỏ mang một vẻ đẹp quyến rũ. Họ gọi những bàn chân này bằng cái tên mỹ miều là “gót sen”. Vì thế, 90% phụ nữ Trung Quốc ngày xưa đều phải đau khổ vì tục bó chân này.
Người mẹ hoặc người bà trong gia đình sẽ bắt đầu bó chân con gái hoặc cháu gái họ khi đứa trẻ từ 4 đến 8 tuổi. Họ sẽ dùng vải buộc chặt 4 ngón chân của các cô bé trừ ngón cái để ngăn không cho xương phát triển thêm và cố định khuôn bàn chân sao cho càng nhỏ càng tốt. Kích thước của bàn chân nhỏ chỉ 7,5cm được xem là kích thước lý tưởng của một đôi "gót sen vàng".
Theo quan niệm thời bấy giờ, phụ nữ phải có một đôi chân thật nhỏ mới là chuẩn mực nếu không họ sẽ không thể lấy được chồng. Bên cạnh đó, bó chân còn được coi là biểu hiện của sự cao quý. Con gái quý tộc không bó chân chỉ có cơ hội lấy chồng ở đẳng cấp kém hơn, còn con gái những nhà nghèo thì dễ bị bán làm nô lệ.
Bàn chân bị biến dạng hoàn toàn, gây trở ngại rất lớn trong việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày kèm theo những cơn đau nhức thế nhưng để làm đẹp, những phụ nữ Trung Quốc ngày xưa vẫn “cắn răng chịu đựng”.
Trang điểm bằng chì
Trước khi có những mỹ phẩm trang điểm tiện dụng như ngày nay, phụ nữ thường phải mày mò, tự chế đồ trang điểm. Đã có thời, phụ nữ bôi chất chì lên mặt để giúp phấn “ăn da”, bám thật lâu trên da, giúp họ có được làn da trắng xanh xao, yếu ớt – một vẻ đẹp được phụ nữ quý tộc rất ưa chuộng thời bấy giờ. Biện pháp làm đẹp này đã có từ thời Hy Lạp cổ đại và nó còn tồn tại cho tới tận thập niên 1920.
Tắm trắng bằng thủy ngân
Vào thế kỷ 16, người ta cho rằng chỉ có những người phụ nữ sống trong giàu sang mới có được làn da trắng bệch, còn phụ nữ tầng lớp thấp, lao động chân tay thì luôn có làn da đen, thiếu sức sống. Chính vì vậy, làn da nhợt nhạt được coi là biểu hiện của sức khỏe tốt và sự quý phái. Nữ hoàng nước Anh - Elizabeth I nổi tiếng với nước da trắng bệch được coi là tiêu chuẩn cho vẻ đẹp thời bây giờ.
Để có được làn da trắng như ý muốn, những phụ nữ thời đó đã sử dụng thủy ngân để bôi lên mặt. Thủy ngân là một chất vô cùng độc hại, thậm chí có thể gây chết người nhưng lại được sử dụng một cách phổ biến để trang điểm. Cách chăm sóc da này được phụ nữ quý tộc đặc biệt ưa chuộng, thậm chí nhiều người còn pha thủy ngân vào sữa để tắm trắng.
Máy bóp mặt
Không phải đến bây giờ phụ nữ mới muốn sở hữu một gương mặt thon nhọn. Ngay từ những năm 20, các bác sĩ thẩm mỹ đã cho ra mắt bộ máy hoạt động dưới cơ chế ròng rọc có tác dụng làm thon gọn phần cằm, giúp nữ giới tạm biệt nỗi lo hai cằm hay mỡ thừa quanh má.
Giảm cân bằng cách nuôi sán dây
Những năm 1900, phụ nữ đua nhau dùng sán dây như một cách để được ăn thoải mái mà không lo tăng cân. Tuy nhiên, chế độ ăn kiêng nguy hiểm này đã bị cấm tại Mỹ, nó chứa đựng nguy cơ gây viêm màng não và động kinh.
Máy đo khuyết điểm
Chiếc lồng đầy đinh nhọn này trông chẳng khác gì chiếc mũ bảo hiểm trong phim kinh dị. Kỳ thực, nó là một sản phẩm chuyên dụng để đo tỷ lệ các đường nét trên gương mặt người phụ nữ. Sản phẩm ra mắt lần đầu tiên năm 1934 và được quảng cáo là sẽ điều chỉnh, mang lại nét nữ tính cho mọi cô gái.
Nghiền bọ độc làm son môi
Người Ai Cập từng nghĩ ra cách chế son môi vô cùng độc, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng mà hiếm có quốc gia nào dám thử, đó là dùng bọ độc. Cụ thể, Nữ hoàng Cleopatra đã cho bắt khoảng 70.000 bọ cánh cứng độc đem đi nghiền để chế ra nửa cân son đỏ. Ai mà biết được độc tố của loài này sẽ ảnh hưởng tới cơ thể bạn như thế nào chứ. Nhưng vì đẹp, người ta vẫn bất chấp.
Ngâm mình trong phân
Người Hy Lạp và La Mã cổ đại từng cực kì ưa chuộng các sản phẩm làm đẹp từ động vật, trong đó bao gồm cả phân. Bạn không nghe nhầm đâu, bởi phụ nữ tới từ hai quốc gia này đã trộn bùn ấm với phân cá sấu, đổ đầy bồn tắm rồi ngâm mình trong đó hàng giờ liền.
Những người giàu có còn dùng hỗn hợp trên để đắp mặt với hy vọng làn da sẽ được trẻ hóa. Dù không gây hại nhưng cách làm đẹp này quả là mất vệ sinh thôi rồi.
Nhỏ mắt bằng tinh chất chiết xuất từ cây độc
Từ xa xưa, đôi mắt đã là nơi thu hút bao sự chú ý và cũng là bộ phận được chăm chút nhất trên gương mặt phái đẹp. Do đó, để đôi mắt trông quyến rũ, long lanh, ướt át hơn, nhiều phụ nữ đã dùng tới chiết xuất từ cây Belladonna để tạo nên dung dịch nhỏ mắt thần kì.
Belladonna là cây thuộc học cà nhưng cực kì độc. Khi nhỏ chất lỏng này lên mắt, đồng tử sẽ co lại, khiến bạn trông bí ẩn và thu hút hơn bình thường. Tuy nhiên, việc lạm dụng cây độc Belladonna sẽ dẫn tới mù lòa vĩnh viễn.
Dùng bút xanh hoặc tím để vẽ các mạch máu trên cơ thể
Để tạo cảm giác về một làn da trắng sáng hơn, vào những năm 1880, ngay cả dưới ánh sáng màu vàng, phụ nữ thời đó thường sử dụng bút chì màu xanh hoặc tím để vẽ tĩnh mạch của họ ở tất cả các nơi mà da họ có thể nhìn thấy được, chủ yếu là ở vùng cổ và ngực. Cách làm này vô cùng phổ biến trong các tầng lớp cao quý và những người phụ nữ giàu có.
Hãng mĩ phẩm Pháp cho ra đời sản phẩm làm từ chất phóng xạ
Từ cự nghiên cứu ra phóng xạ của vợ chồng Marie Curie năm 1898, toàn bộ cộng đồng khoa học đã đổ xô đi nghiên cứu nguyên tố này. Không lâu sau khi chất phóng xạ được sử dụng trong y tế và thương mại, một số hãng mĩ phẩm bắt đầu đưa nó vào ngành chăm sóc sắc đẹp.
Nhiều công ty mỹ phẩm bắt đầu cho phóng xạ vào sản phẩm của họ với lời hứa về làn da “rạng rỡ” hơn. Năm 1933, Alexis Moussali, một dược sĩ, và Alfred Curie, một bác sĩ người Paris, Pháp, đã phát hành một loạt các sản phẩm làm đẹp từ chất phóng xạ.
Sản phẩm này còn được gọi là “Tho-Radia”, bao gồm một kem làm sạch da, kem dưỡng da, son môi và kem đánh răng. Các sản phẩm này được bán rộng rãi trên thị trường như là một phương pháp làm đẹp “khoa học”.
Quảng cáo nói rằng bằng cách sử dụng các sản phẩm, da mặt có thể được tăng cường độ sáng, thậm chí còn có thể loại bỏ nếp nhăn và ngừng việc lão hoá da.
Quỳnh Hoa
Theo Tạp chí Sống khỏe