(MangYTe)- Trong bối cảnh khủng hoảng nhiên liệu và nguyên liệu thô diễn ra trên toàn cầu, môi trường bị ô nhiễm đáng báo động, việc “tái chế” đồ cũ, hàng tồn, hàng lỗi, thậm chí cả những vật dụng bị bỏ đi đang trở thành những nguồn cung cấp nguyên liệu phong phú và dồi dào cho các nhà thiết kế thời trang.
Thời trang tái chế đang trở thành xu hướng Ảnh: ITN
Trên thực tế, nhiều nhà thiết kế đã sử dụng chất liệu tái chế từ vải vụn, quần áo cũ, sợi dệt kim… để tạo ra các trang phục lộng lẫy. Những món đồ được tạo nên từ các chất liệu bền vững đang dần thống lĩnh xu hướng thị trường may mặc như một sự thay đổi tất yếu của ngành công nghiệp này, như thời trang làm từ chất liệu được tạo từ bã cà phê, sợi đậu nành, vỏ cam, hay chất liệu da làm từ cây xương rồng, vỏ và lõi táo…
Ở Việt Nam, theo nhà thiết kế Vũ Thảo, người sáng lập và Giám đốc thiết kế tại Kilomet109, tái sử dụng đã khởi sinh từ xa xưa, trở thành triết lý sống của người Việt và luôn được duy trì, không chỉ trong thời trang, bởi chúng ta sống thuận tự nhiên, tận dụng các nguyên liệu xung quanh. Việc tạo ra đời sống mới cho những nguyên liệu cũ cũng đã trở thành văn hóa của người Việt.
Tuy vậy, trong bối cảnh hiện tại, nhằm khuyến khích các nhà thiết kế tìm kiếm nhiều giải pháp sáng tạo để đổi mới toàn diện, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và VietNam Design Group vừa phát động cuộc thi Designed by Vietnam trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ Thiết kế Việt Nam - Vietnam Design Week 2023 diễn ra vừa qua. Năm nay, cuộc thi có chủ đề Thiết kế từ những hạn chế (Embracing Constraints) ở 5 lĩnh vực: Thiết kế Truyền thông (Communication design), Thiết kế Đồ nội thất (Living design), Thiết kế Vật dụng và trang trí (Decor & Object design), Thiết kế Trang phục (Clothing design), Thiết kế công cộng (Public design) và “Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên Hồ Gươm”.
Cố vấn ở lĩnh vực Thiết kế Trang phục của cuộc thi, nhà thiết kế Vũ Thảo đặt ra yêu cầu cho các thí sinh: “Sáng tạo từ Tái tạo - Hãy mang đến cho sự sáng tạo một ý nghĩa mới bằng việc kết hợp của chuyên môn, ý tưởng và cả bí quyết để biến những đồ vật, chất liệu thành những y phục mới lạ. Tái sử dụng, tái chế, tái cấu trúc… và mạnh dạn kết hợp cả với những chất liệu không có nguồn gốc từ thời trang nhưng có khả năng diễn đạt được tinh thần của thời trang hiệu quả”. Chị khuyến khích các bài thi tự do biến hóa với nghìn lẻ một cách ngẫu phối để đưa ra những bộ cánh bất ngờ với hình dáng và chức năng nổi bật. Vấn đề là, khi thực hiện những thiết kế tận dụng nguyên liệu tái tạo một cách nhất quán với ý thức về chất lượng, nhà thiết kế không chỉ mang lại sức sống mới cho những vật dụng thân thuộc, những đồ đã bỏ đi, mà sẽ tạo ra những thiết kế đầy kinh ngạc, tinh tế.
Trong lĩnh vực Thiết kế Truyền thông, nhà thiết kế Từ Phương Thảo, Giám đốc mỹ thuật tại ELLE Decoration Vietnam chia sẻ: “Những chiến sĩ” trên mặt trận sáng tạo này vẫn phải sống và chiến đấu trong những hạn chế đang trở thành hiển nhiên. Hạn chế ở đây, có thể là nguồn dữ liệu nghèo nàn, lộn xộn và cả những sai, hỏng, cũ từ khách hàng; kinh phí sản xuất cực kỳ eo hẹp, thời gian vô cùng gấp gáp... đó là những thứ chúng ta sẽ phải vui vẻ đối mặt và xử lý thông minh, biến chúng thành thành tựu của nghề. Cần có những giải pháp thiết kế lạc quan, tiết kiệm, uyển chuyển áp dụng những phương pháp gia công thành phẩm đơn giản mà hữu hiệu, những ý tưởng xây dựng hình ảnh thương hiệu với chi phí thấp, dùng ít nhân công và thời gian nhất có thể...
Trong khi đó, theo ông Lê Bá Ngọc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft), cố vấn ở lĩnh vực Thiết kế Vật dụng và trang trí: Nguồn tài nguyên trong thế giới chúng ta đang sống ngày càng trở nên khan hiếm, do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có việc khai thác và sử dụng không hợp lý, thiếu các giải pháp tăng tỷ lệ thu hồi nguyên liệu, thiếu cách tiếp cận tái sử dụng hoặc kéo dài vòng đời của sản phẩm… Các sản phẩm trang trí và quà tặng hiện đang sử dụng nhiều nguồn tài nguyên từ thực vật (gỗ, mây, tre, lá…), đất (sét, cao lanh…), kim loại (đồng, nhôm…).
Với chủ đề “Thiết kế từ những hạn chế”, cuộc thi khuyến khích các thí sinh đề xuất những giải pháp thiết kế cho sản phẩm trang trí và quà tặng đáp ứng các yêu cầu: Sử dụng nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương; nâng cao hiệu suất sử dụng (tỷ lệ thu hồi) nguyên vật liệu; tái sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có để tạo nên các sản phẩm mới hoặc kéo dài tuổi thọ của sản phẩm; sử dụng nguyên vật liệu là phụ phẩm nông nghiệp để gia tăng giá trị; khuyến khích các sản phẩm có khả năng sản xuất và đi vào cuộc sống, không chỉ là các tác phẩm đơn chiếc.
NTK Lê Nguyễn Phương Anh, LAITA Design, cố vấn trong lĩnh vực Thiết kế Đồ nội thất cho rằng: Trong quá trình đi tìm ra giải pháp, các hạn chế chưa bao giờ khiến cho ngành công nghiệp thiết kế giậm chân tại chỗ hoặc đi thụt lùi, thậm chí những thành tựu của nền văn minh của nhân loại đều bắt đầu từ những điều này. Đối mặt với những ràng buộc và hạn chế cũng là lúc chúng ta chính thức bước chân vào vùng đất của sự sáng tạo…
TRUNG NGHĨA