Việc các nước lân cận như Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Singapore,... ghi nhận nhiều ca mắc bệnh đậu mùa khỉ cho thấy nguy cơ bệnh sẽ sớm xâm nhập vào nước ta là vô cùng cao, do sự giao lưu đi lại thuận tiện giữa Việt Nam và các quốc gia khác.
Từ trường hợp đầu tiên cho đến nay, thế giới ghi nhận hơn 16.000 ca mắc đậu mùa khỉ, trong đó đã có 5 ca tử vong. Bệnh diễn ra chủ yếu tại các khu vực châu Phi, châu Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên, từ đầu tháng 6 thì bệnh đã có sự lây lan ở các nước châu Á, đặc biệt là các quốc gia lân cận với Việt Nam, điều này cho thấy, nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bên cạnh đó, các virus của đậu mùa khỉ bỗng đột biến nhiều chưa từng thấy, tình hình trở nên khó kiểm soát buộc WHO phải tuyên bố căn bệnh này chính là “Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế” (PHEIC) cùng với đại dịch Covid-19, cho thấy bệnh đã lây lan cho hàng chục nghìn người tại nhiều quốc gia, chỉ trong vài tuần được xem là một sự kiện bất thường và nghiêm trọng.
Bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm như thế nào?
Đậu mùa khỉ là một căn bệnh hiếm gặp do virus Monkeypox gây ra, lây truyền từ động vật sang người, hoặc từ người với người. Cơ chế lây truyền của bệnh là thông qua việc tiếp xúc trực tiếp gần với người bệnh, hoặc lây lan qua các vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn từ đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
|
Hình ảnh rõ nét của virus Monkeypox (Ảnh: iStock) |
Thời gian ủ bệnh sẽ tính từ lúc tiếp xúc với người bệnh hoặc mầm bệnh, và khởi phát các triệu chứng trong vòng từ 5 - 21 ngày. Tuỳ thuộc vào từng giai đoạn mà bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau, nhưng thường thấy nhất là:
- Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi
- Đau đầu, đau cơ, đau lưng
- Sưng hạch bạch huyết
- Phát ban giống như các mụn nước xuất hiện trên mặt, trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
|
Phát ban, nổi mụn nước to khắp bộ phận của cơ thể như tay, chân,... được xem là biểu hiện điển hình nhất của căn bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh: Internet) |
Người nhiễm có thể tự khỏi trong vòng từ 2 - 3 tuần nếu được cách ly và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nặng ở các đối tượng như trẻ em, người già, phụ nữ đang mang thai, hoặc người có hệ miễn dịch suy yếu - với các biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Bệnh có tỷ lệ tử vong từ 0 - 11%, dù không cao nhưng vẫn không thể xem thường.
Mọi người cần ứng phó với căn bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?
Trước diễn biến khó lường cũng như không thể xác định khi nào bệnh đậu mùa khỉ sẽ xâm nhập vào nước ta, đồng thời trong lúc chờ đợi những quyết định chính xác nhất từ Bộ Y tế về việc xét nghiệm và tiêm phòng ngừa bệnh. Mỗi người đều cần phải có ý thức, chủ động chuẩn bị các biện pháp phòng bệnh thông qua các việc cần làm sau đây:
1. Tránh tiếp xúc với những người được chẩn đoán nhiễm virus hoặc những người có thể đã bị nhiễm bệnh.
2. Đeo khẩu trang nếu bạn tiếp xúc gần với người có triệu chứng.
3. Quan hệ tình dục an toàn và theo dõi các triệu chứng nếu nghi ngờ mắc bệnh.
4. Tránh tiếp xúc với động vật có thể mang virus, bao gồm động vật bị bệnh hoặc đã chết, những động vật có tiền sử nhiễm bệnh này như khỉ, chó hoặc động vật gặm nhấm.
5. Thực hành tốt vệ sinh tay, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm - hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.
6. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân khi chăm sóc bệnh nhân đã xác định hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh đậu khỉ.
7. Ăn chín uống sôi, thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng.
8. Lau dọn nhà cửa kĩ càng, vệ sinh thường xuyên các vật dụng và bề mặt để hạn chế nguy cơ lưu lại virus, mầm bệnh.
|
Virus đậu mùa khỉ có thể bám trên các loại bề mặt và đồ dùng, vì thế hãy thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bề mặt, các vật dụng gia đình. Đặc biệt là các đồ dùng của người nhiễm bệnh không được dùng chung để phòng lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ và nhiều bệnh khác (Ảnh: Internet) |
Nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta trong thời gian tới là rất lớn. Để phòng bệnh, mỗi người đều cần phải có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh như đã nêu trên. Ngoài ra, nhằm hạn chế khả năng lây lan trong cộng đồng, hãy thăm khám sớm nhất cũng như chủ động cách ly nếu bản thân bỗng có các triệu chứng nghi ngờ phơi nhiễm.
Xem thêm: Đừng bao giờ coi thường dấu hiệu nôn trớ ở em bé
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin