Tào Tháo lúc đó có xưng đế hay không, đây chỉ là vấn đề của tên gọi. Lệnh của hoàng đế là Tào Tháo ra, việc bổ nhiệm quan chức được ông chỉ thị, chính sách của triều đình cũng là do ông quyết định.
Là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc, Tào Tháo dù được miêu tả như một kẻ độc ác, mưu mô, gian xảo, hay một gian hùng thời loạn thì cũng không thể phủ nhận được ảnh hưởng quá lớn của ông tới xã hội thời ấy.
Tuy nhiên, con người xuất thân tầm thường nhưng có dã tâm lớn đó lại khiến rất nhiều người thắc mắc lý do vì sao ông không đăng đế trong suốt những năm mình nắm quyền?
Nhân vật lịch sử này vốn dĩ đã qua đời từ lâu, không thể trực tiếp đưa ra đáp án. Tuy nhiên, từ những phân tích của các nhà sử học dựa trên những tài liệu để lại, ta có thể tổng kết được 3 nguyên nhân chính như sau:
Ảnh minh hoạ.
Tào Tháo không muốn mang cái danh "loạn thần tặc tử"
Dù thành danh trong thời loạn nhưng Tào Tháo vẫn vô cùng yêu quý danh dự của mình. Tào Tháo không để ý bản thân bị mắng nhiếc khi lấy danh nghĩa phò tá để khống chế vị vua trẻ, từ đó điều khiển cả triều thần. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của Nho giáo đã ăn sâu vào máu khiến ông sợ hãi việc trở thành tội nhân thiên cổ.
Tào Tháo trong "Thuật chí lệnh" có nói rõ: "Tề Hoàn, Tấn Văn hầu sở dĩ thùy xưng chí kim nhật giả, dĩ kì binh thế quảng đại, do năng phụng sự Chu thất dã." Ý muốn nói, Tề Hoàn công và Tấn Văn hầu thân là bá chủ trong "Xuân Thu ngũ bá", sau khi xứng bá vẫn có thể lưu danh ngàn đời đó là bởi họ vẫn luôn tôn phụng nhà Chu. Hàm ý là nếu một trong hai người đó thay thế nhà Chu, thì đã không có kết quả như ngày hôm nay.
Tào Tháo không có điều kiện để xưng đế
Tuy rằng đã giành được quyền kiểm soát tuyệt đối triều đình nhà Hán, nhưng quyền lực của Tào Tháo vẫn chỉ giới hạn ở miền bắc Trung Quốc. Tôn Quyền và Lưu Bị vẫn ở phía đông nam và tây nam, quốc gia vẫn chưa thống nhất, thiên hạ vẫn chưa hòa bình. Thời điểm này mà Tào Tháo xưng đế thì chẳng khác nào tự trao nhược điểm vào tay 2 vị kia, giúp họ có cớ để đi thảo phạt mình.
Theo "Tam quốc chí", vào năm Kiến An thứu 24, Tôn Quyền đã viết thư cho Tào Tháo, bày tỏ sẵn sàng cúi đầu phong Tào làm đế. Tào Tháo ngay lập tức nhìn ra được mánh khóe của Tôn Quyền, cười nói: "Tôn Quyền là đang muốn đưa ta lên bếp lửa nướng đây ư! ". Tào Tháo hiểu rất rõ: Chỉ cần bám chặt vào cái cây đại thụ Hán Hiến Đế thì chẳng ai có thể làm gì được ông. Như một minh chứng, Tào Tháo được phong làm Ngụy Công, Ngụy Vương, phe đối lập nội bộ và những kẻ địch bên ngoài phản đối ông đều không có kết thúc tốt đẹp.
Tào Tháo theo chủ nghĩa thực dụng, không coi trọng hư danh
Mục tiêu của Tào Tháo rất rõ ràng, đó là thống nhất thiên hạ, an bang định quốc, những thứ khác đều chỉ là phương tiện. Chọn "mượn danh thiên tử thống lĩnh chư hầu" là phương tiện rất thông minh của Tào Tháo, giúp ông có một lợi thế lớn trong cuộc hỗn chiến này. Chủ nghĩa thực dụng của Tào Tháo cũng được thể hiện trong việc dùng người. Nguyên tắc dùng người của ông là không hỏi lai lịch, xuất thân, chỉ cần có tài là sẽ được dùng.
Phong cách thực dụng, không màng hư danh này đã được phản ánh rất rõ qua câu hỏi liệu có nên xưng đế hay không. Sau khi bình định được phía Bắc, Tào Tháo từng bước từng bước đoạt quyền lực của Hán Hiến Đế, cho đến khi Hán Hiến Đế thực sự trở thành con rối và trở thành công cụ cho những mệnh lệnh của mình.
- Video: Bí ẩn ngọn đèn "cháy sáng ngàn năm không tắt" trong lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng. Nguồn: VTV24.
Theo SHTT&ST
Link bài gốc Lấy link
https://sohuutritue.net.vn/vi-sao-tao-thao-den-khi-chet-van-khong-dam-xung-de-d59493.html
Theo SHTT&ST