(MangYTe) - Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); gỡ khó về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế và vaccine; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại; cải cách hành chính và chuyển đổi số mạnh mẽ… là những sự kiện nổi bật của ngành y tế trong năm 2023 do Bộ Y tế vừa công bố.
1. Củng cố, hoàn thiện nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở
Ban Bí thư, Quốc hội ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Theo đó, y tế cơ sở bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ bảo hiểm y tế theo hướng tăng chi cho y tế cơ sở...
2. Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Ngày 9/1/2023, Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Luật được xây dựng lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Lần đầu tiên áp dụng mô hình Hội đồng y khoa Quốc gia nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và hội nhập quốc tế.
Các quy định bổ sung tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tạo điều kiện cho người bệnh, người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thăm trạm y tế xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
3. Gỡ khó về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế và vaccine
Năm 2023, Bộ Y tế tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Nghị định số 07/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98 về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; Thông tư số 14 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập….
Qua đó, tháo gỡ khó khănvề đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, vaccine…, kịp thời đáp ứng yêu cầu công tác khám, điều trị bệnh, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
4. Tháo gỡ cơ chế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh
Bộ Y tế tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146, tháo gỡ vướng mắc về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng. Đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, cơ sở khám, chữa bệnh trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Bộ Y tế ban hành Thông tư số 13 quy định khung giá và phương pháp định giá khám chữa bệnh theo yêu cầudo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu.
5. UNESCO vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Tháng 11/2023, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân Văn hóa và Sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025”. Trong đó, có hồ sơ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Sự kiện UNESCO vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác một lần nữa khẳng định vị thế của nền y học cổ truyền, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
6. COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A
COVID-19 chính thức chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Theo Quyết định số 3896 Bộ Y tế ban hành ngày 19/10/2023, từ ngày 20/10, COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang thuộc nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19.
7. Cải cách hành chính và chuyển đổi số mạnh mẽ
Năm 2023, 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện. 100% cơ sở khám chữa bệnh trong toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip. 4.160 cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai đơn thuốc điện tử và liên thông đơn thuốc với hệ thống đơn thuốc quốc gia.
100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế được cung cấp trên môi trường mạng. 100% (161/161) thủ tục hành chính đủ điều kiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình…
8. Nhiều đột phá trong phẫu thuật, điều trị, khám, chữa bệnh
Năm 2023, số lượt khám bệnh ngoại trú và nội trú đều tăng tại các bệnh viện, một số bệnh viện có số lượng tăng hơn trên 50% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ người bệnh hài lòng đạt trên 90%.
Nhiều ca phẫu thuật và điều trị bệnh phức tạp đã được thực hiện tại nhiều bệnh viện trên cả nước. Tiêu biểu như ca ghép đa tạng tim - thận cùng lúc của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức; ca ghép tạng xuyên Việt do Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức phối hợp thực hiện; ca phẫu thuật nội soi điều trị nang ống mật chủ cho bệnh nhân Australia tại Bệnh viện Xanh Pôn…
9. Việt Nam dẫn đầu châu Á - Thái Bình Dương về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)
Tháng 7/2023, Đoàn đại biểu của Bộ Y tế Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 12 về Khoa học HIV (IAS) tại Australia. Tại sự kiện này, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 của Liên hợp quốc để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
10. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh
Trong năm 2023, tiếp tục triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngành Y tế đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại phong phú, thiết thực và đã có nhiều kết quả quan trọng góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, phát triển hệ thống y tế cả chiều sâu và chiều rộng.
Thu An
Link bài gốc Lấy link
Thu An