Nhiều chuyên gia sức khoẻ mới đây đã lên tiếng cảnh báo, sau khi phát hiện ra biến chứng mới, gây nguy hiểm đến hệ thần kinh của bệnh cúm A. Đây được xem là một dấu hiệu đáng ngại, nhất là khi tỷ lệ ca mắc đang gia tăng rất nhanh, có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Theo đó, bệnh cúm A thường xuất hiện và gia tăng trong thời tiết lạnh, đặc biệt thời điểm giao mùa đông - xuân nhiều hơn (nên còn hay gọi là bệnh cúm mùa). Chính vì vậy, khi số ca mắc bệnh cúm bỗng dưng tăng cao trong thời điểm hè đã khiến cho nhiều người cảm thấy lo lắng.
Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chỉ trong 2 tuần đầu của tháng 7, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 100 trường hợp đến thăm khám với các triệu chứng của cúm A, đưa tổng số ca mắc từ đầu năm lên hơn 2.000 ca. Độ tuổi người mắc đa dạng, nhưng phần lớn vẫn là các bệnh nhi có diễn biến nặng, xuất hiện tình trạng viêm phổi, suy hô hấp phải thở máy. Nhiều bác sĩ bày tỏ lo ngại, nếu tình huống này không được kiểm soát hiệu quả, nguy cơ bùng phát thành dịch lớn là vô cùng cao.
Biến chứng mới đầy nguy hiểm của bệnh cúm A
Theo y văn, bệnh cúm A là một dạng nhiễm trùng đường hô hấp, thường do các chủng virus như H1N1, H5N1, H7N9 gây ra. Bệnh có thể lây lan qua đường hô hấp bằng các giọt bắn nhỏ từ cơ thể người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với đồ vật, bề mặt có virus.
Bệnh được cho là không quá nguy hiểm, có thể có biểu hiện nặng khi mắc bệnh nhưng lại nhanh khỏi. Song, bệnh vẫn có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề và nguy hiểm, thậm chí là đe doạ đến tính mạng đối với nhóm trẻ em, người già hay đối tượng có các bệnh nền mãn tính như: đái tháo đường, huyết áp, tim mạch hoặc hô hấp.
Thường thì cúm A sẽ có biểu hiện lâm sàng là sốt, nhức đầu, đau mình mẩy, hắt hơi, chảy nước mũi. Tuy nhiên nếu có sốt cao hoặc không được xử trí kịp thời thì cơ thể sẽ mất nước, rối loạn điện giải, thậm chí còn có biểu hiện co giật.
|
Trường hợp sốt do cúm A đã kéo dài nhiều ngày, chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng thì có thể gây tức ngực, khó chịu và hay xuất hiện ho khan (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, biểu hiện của bệnh cúm A so với khi trước đã có nhiều thay đổi nghiêm trọng hơn. Trước kia, người mắc bệnh cúm thường chỉ có các biểu hiện viêm long đường hô hấp trên kèm sốt, nhưng sẽ không có các triệu chứng về thần kinh. Tuy nhiên, từ mùa cúm năm 2019 - 2020 thì lại ghi nhận rất nhiều trường hợp có các triệu chứng nặng nề rõ rệt về mặt thần kinh.
Cụ thể, trong thời điểm tiếp nhận điều trị các bệnh nhân bị cúm A - mà phần lớn là các bệnh nhi, có hơn 45% trẻ nhập viện với biểu hiện co giật, và 6% trẻ sau khi điều trị xuất hiện dấu hiệu viêm não, phù não. Tuỳ thuộc vào thể trạng sức khoẻ của trẻ sẽ đưa ra mức độ tổn thương não khác nhau. Nếu mức độ não bộ bị tổn thương càng nặng thì khả năng phục hồi càng thấp, trẻ có thể tử vong hoặc mắc các di chứng suốt đời như: bị động kinh, bị bại não, tâm thần, liệt chân, liệt tay, liệt nửa người, điếc, chậm phát triển về nhận thức…
Điều này cho thấy biến chứng mới mà bệnh cúm A gây ra có thể gây ra nhiều tổn thương nặng cho hệ thần kinh và não bộ của bệnh nhân.
|
Ngoài ra, khi phải nhập viện cấp cứu do bệnh cúm A, tình trạng của trẻ thường sẽ là sốt cao liên tục 38 - 39 độ C do không đáp ứng thuốc hạ sốt, nôn ói, tụt huyết áp, ăn kém, mệt mỏi và quấy khóc (Ảnh: Internet) |
Ngoài biến chứng mới gây ra viêm não, phù não và có ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh, người thuộc nhóm nguy cơ (trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người có miễn dịch kém và có bệnh nền mãn tính) khi mắc bệnh cúm A cũng sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng ác tính khác, bao gồm:
- Viêm phổi
- Viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu. Một số trường hợp nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong.
- Tổn thương gan dẫn đến viêm gan, suy gan, tỷ lệ tử vong rất cao.
- Với phụ nữ đang mang thai nếu mắc cúm A trong 3 tháng đầu có thể gây ra biến chứng ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương.
Nên phòng ngừa bệnh cúm A như thế nào?
Để phòng bệnh cúm A trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay, mỗi người - đặc biệt là với những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cần phải nghiêm túc thực hiện các lưu ý sau đây:
- Để phòng bệnh cúm cần giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà.
- Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng và khi tiếp xúc với người nghi cúm, cần đeo khẩu trang.
- Cần thường xuyên vệ sinh không gian sống và khu vực vui chơi của trẻ, đặc biệt là môi trường lớp học, các đồ chơi, vật dụng trẻ tiếp xúc hàng ngày…
- Bảo đảm chế độ dinh dưỡng luôn đầy đủ dưỡng chất, vitamin và khoáng cất thiết yếu. Người lớn và người cao tuổi nên thể dục vừa sức thường xuyên để nâng cao đề kháng.
- Hạn chế tụ tập hoặc đến những khu vực đông người. Cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để hạn chế lây nhiễm.
- Tiêm vaccine phòng cúm vào trước giao mùa khoảng 3 tháng (vào tháng 7 - 9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh và cần tiêm phòng nhắc lại hàng năm.
|
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên chuẩn bị trước một quyển sổ tiêm chủng để dễ dàng xác định trẻ còn thiếu loại vaccine mà đưa đi tiêm chủng kịp thời (Ảnh: Internet) |
Trước biến chứng mới của bệnh cúm A có thể gây ra nhiều tổn thương cho hệ thần kinh và não bộ, mỗi người đều phải có trách nhiệm phòng ngừa để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình, cộng đồng. Khi phát hiện những dấu hiệu lâm sàng và nghi ngờ nhiễm bệnh, hãy đến ngay bệnh viện để được kiểm tra và chẩn đoán kịp thời.
Xem thêm: 3 loại trứng này khiến lượng đường máu dao động đáng kể, người bệnh tiểu đường nên hạn chế
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin