Nội dung Text: BỆNH DA Ở NGƯỜI GIÀ
BỆNH DA Ở NGƯỜI GIÀ I. ĐẶC ĐIỂM SINH LÝ LIÊN QUAN ĐẾN BỆNH NGOÀI DA Ở NGƯỜI GIÀ Sống trên cõi đời này hầu hết con người chúng ta đều được sinh ra, lớn lên, già phát bệnh rồi chết. Con đường đưa đến bệnh già là không tránh khỏi, có người già bị bệnh nặng rồi chết, có người thì bị bệnh mãn tính kéo dài cuộc sống. Trong những bệnh mãn tính thì bệnh da ở người già là thường hay gặp nhất. Ở người già, chức năng nội tiết như ở sinh dục, thượng thận, tuyến yên, tuyến giáp, não bộ v.v... đều bị suy yếu, làm ảnh hưởng đến cơ thể nói chung và ở da nói riêng. Ở da, người già sợi lạo keo và sợi liên kết đều bị thoái hóa, chức năng tuyến bã và tuyến mồ hôi cũng bị suy giảm, kết quả là da người già trở nên nhăn nheo, giảm dần tính đàn hồi, khô hơn và dễ tróc vảy. Do da người già bị tác động lâu dài của nhiều hóa chất, ánh nắng mặt trời nên dễ phát triển nhiều loại bướu trên da, màu sắc của da thay đổi, các mạch máu nhỏ bị suy yếu nên dễ vỡ gây xuất huyết dưới da, hoặc mạch máu bị nghẽn làm thiếu máu nuôi dưỡng. II. MỘT SỐ BỆNH DA THƯỜNG GẶP Ở NGƯỜI GIÀ 1. Ngứa tuổi già Đây là loại ngứa đơn thuần ngoài da mà không thấy có thương tổn gì, ngứa gãi nhiều làm cho da bị trầy xước và có chỗ bị dày lên. Nguyên nhân gây ra ngứa thì không rõ, có thể do giảm lượng nội tiết tố Testosterone. Điều trị chứng ngứa tuổi già thường ít đem lại kết quả tốt, cần hạn chế tắm xà bông, tránh táo bón, không uống rượu bia. 2. Dày sừng da (đồi mồi) Đó là một hoặc vài vùng da bị tăng sừng, trên mặt thô nhám, kích thước nhỏ dưới 1cm,
màu vàng xám. Vị trí hay gặp ở vùng phơi bày ánh sáng như: vùng lưng bàn tay, mặt, cổ, tế bào gai, hoặc thành những sừng nhô cao trên da. Điều trị: Thông thường thì không cần điều trị khi có nhiều chỗ bị dày sừng. Khi có ít cái thì có thể cạo sạch, đốt điện hoặc bôi thuốc 5 fluorouracil 5% (Efudex). 3. Mụn cơm ở người già Thường gặp ở vị trí sau lưng, cổ; đó là sẩn gồ cao hình tròn hoặc bầu dục, kích thước từ 10-20mm, có màu vàng xám, khi cạo ra thì sẽ thấy nền da xù xì rớm máu. Có khi gặp một hoặc nhiều cái. Điều trị: - Chấm Acid trichloracetic 33%. - Đốt điện. 4. Bệnh Zona Zona là bệnh gây ra do virus có tên là Herpes Zoster Virus (H.Z.V). Virus này thường sống tiềm ẩn trong hạch tủy sống đã lâu, khi về già sức khỏe yếu, virus di chuyển ra ngoài da và gây bệnh ở da. Triệu chứng là nổi nhiều mụn nước, bóng nước từng chùm trên nền da bị sưng đỏ, bệnh xảy ra ở một phần bên trái hoặc phải của cơ thể, kèm theo triệu chứng đau nhức dữ dội. Bệnh thường kéo dài khoảng 2 tuần thì lành ngoài da, nhưng hay để lại di chứng đau sau zona rất khó chịu. Điều trị: - Giữ vệ sinh da tại chỗ sạch sẽ để tránh bội nhiễm. - Dùng thuốc Acyclovir, Famciclovir. - Dùng thuốc Corticoid nếu bị đau nhiều.
5. Loét da Ở người già tĩnh mạch chân thường hay bị suy yếu làm cho máu khó về tim và ứ đọng lại ở chân nên dễ gây loét cẳng chân, làm 2 cẳng chân bị loét rịn dịch và chung quanh bị sẩm màu da. Điều trị: - Cần chăm sóc tại chỗ tốt để tránh nhiễm trùng. - Nằm kê chân cao. - Dùng thuốc Daflon, Ginkor. 6. Loét do bị tỳ ép Thường gặp ở người già bị bệnh nằm lâu, không xoay trở được làm loét hoại tử vùng xương cùng, loét càng ngày càng lan rộng thêm. Điều trị: - Cần cố gắng xoay trở và xoa bóp nhẹ nhiều lần trong ngày. - Cho nằm trên một túi hơi để trống chính giữa. - Nuôi ăn uống đầy đủ. - Săn sóc vết thương tại chỗ kỹ lưỡng. 7. Bệnh tự miễn dịch Bệnh tự miễn dịch ở ngoài da hay gặp là bệnh Pemphigus và bệnh Bullous Pemphigoid. Trên da nổi lên ít nhiều bóng nước trong, mềm hoặc căng, nằm riêng biệt dễ vỡ và trợt ra, có khi bệnh cũng ảnh hưởng ở trong niêm mạc miệng. Bệnh dễ gây tử vong nhanh chóng nếu không được can thiệp đúng đắn kịp thời. Điều trị: - Thuốc Corticoid đơn thuần hoặc phối hợp với thuốc giảm miễn dịch.
8. Đỏ da toàn thân tróc vảy Thường là thứ phát sau khi bị bệnh ngoài da như bệnh chàm, vảy nến, dùng thuốc bị phản ứng hoặc đôi khi là biểu hiện của một ung thư tiềm tàng. Toàn thân da bị đỏ gần như tôm luộc, tróc hết lớp vảy này đến lớp vảy khác, rất ngứa. Điều trị: - Bôi thuốc làm tróc vảy và thuốc làm dịu da. - Dùng thuốc kháng histamin thông thường. - Tránh gió lạnh. 9. Bạch biến Bạch biến là tình trạng mất hắc tố melanin của da, làm da có màu trắng giống tờ giấy trắng, lúc đầu chỉ thấy ở một vùng nhỏ ở bất cứ đâu trên cơ thể, sau đó có thêm nhiều chỗ khác, chúng thường lan rộng ra và liên kết với nhau thành vùng lớn, có khi toàn thân và lông tóc đều bị trắng hoàn toàn. Điều trị: Đối với người già, không nên đặc thành vấn đề điều trị bệnh này, vì thuốc điều trị cần phải kết hợp với phơi nắng hoặc chiếu tia tử ngoại lâu ngày, có thể gây đột biến tế bào và đưa đến ung thư da. 10. Ung thư da: Có 3 loại ung thư da - Ung thư tế bào đáy: Gặp ở vùng da hở, triệu chứng chính là nổi lên những sẩn nhỏ màu trắng đục như hạt ngọc, loại ung thư này ít nguy hiểm vì chỉ phát triển chậm tại chỗ, không di căn đến chỗ khác, điều trị dễ dàng và thường khỏi hẳn. - Ung thư tế bào gai: là loại ung thư nguy hiểm hơn ung thư tế bào đáy, vì phát triển nhanh hơn xâm lấn sâu hơn và có thể di căn. Loại ung thư này thường dễ phát triển trên thương tổn saün có bị kích thích thường xuyên hoặc bị tác động lâu dài của ánh nắng mặt trời. Triệu chứng thường là phát triển u sùi lên ở vùng môi, chỗ da bị sẹo, bị phỏng, bị
bệnh luput đỏ, ở đầu dương vật của người bị hẹp bao quy đầu v.v... Điều trị ngoại khoa trong giai đoạn đầu khi chưa xâm lấn sâu và di căn hạch thì khả năng khỏi hẳn rất cao, do đó việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng. - Ung thư sắc tố: là loại ung thư nguy hiểm nhất vì thường bị di căn nhanh đến vùng khác. Ở người già khi thấy có một nốt ruồi tự nhiên hơi to ra, lỡ, rịn máu, ngứa thì cần cảnh giác với ung thư hắc tố. Điều trị ung thư loại này thường ít kết quả hơn hai loại ung thư da kể trên. So với hai loại trên thì ung thư hắc tố ít gặp hơn nhiều lần, tuy nhiên cần phải cảnh giác. Nói tóm lại, biểu hiện sự thay đổi bên ngoài da ở người già là rất phong phú, đa dạng. Khi thấy có một thay đổi nào trên da người già thì nên đưa đến khám bệnh tại bác sĩ chuyên khoa da liễu, phát hiện bệnh sớm giải quyết kịp thời, đúng đắn sẽ giúp người già sống lâu và khỏe mạnh hơn nữa. Phòng ngừa bệnh ngoài da mùa hanh khô ở người cao tuổi Vào mùa hanh khô, độ ẩm không khí thấp, gió nhiều nên các vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát tán rất nhanh. Chính vì vậy mà số lượng người mắc bệnh khô da cao hơn các mùa khác. Trong mùa lạnh, người cao tuổi do sức đề kháng kém nên càng dễ mắc bệnh hơn. Vì thế, người cao tuổi cần chú ý giữ gìn sức khỏe và cần đề phòng một số bệnh về da sau đây. Viêm da ứ trệ Da vùng cổ chân, phần thấp của cẳng chân ngứa, thô ráp, nhăn nheo, đỏ sần, có mụn nước hoặc mụn mủ. Nếu chà xát hoặc gãi mạnh sẽ làm vùng da này tổn thương, nhiễm
khuẩn, lở loét khó liền. Bệnh nhân phải được khám và dùng thuốc kháng sinh, kháng histamin theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Viêm da liên cầu Bệnh thường biểu hiện bằng các đám da đỏ, mụn nước rải rác toàn thân, trên đầu nhiều vảy, ngứa. Người bệnh luôn cảm thấy lạnh do mất nhiệt qua da. Những trường hợp này bắt buộc phải dùng thuốc bôi tại chỗ kết hợp điều trị kháng sinh, kháng viêm theo đơn bác sĩ da liễu. Cần luôn luôn giữ da thoáng mát, tránh mặc quần áo chật, nên làm việc trong môi trường ít nóng bức. Ở người cao tuổi cần kiểm tra đường máu thường xuyên, nếu đường máu tăng cần chữa trị và theo dõi liên tục, cần lưu ý đến những vết thương trầy xước nhỏ. Bệnh nặng hơn phải vào viện điều trị. Viêm da cơ địa Viêm da cơ địa thường tiến triển mạn tính, có thể khỏi một thời gian, sau đó lại tái phát. Bệnh có tính chất gia đình. Thời tiết càng khô hanh thì da của người bệnh càng trở nên dày, khô, mốc trắng và ngứa. Vùng da dễ bị khô dày và tổn thương do gãi nhiều thường là nách, kẽ vú, bẹn, khuỷu tay, khoeo chân. Có người không chịu được ngứa đã gãi nhiều nên vùng da này càng dày hơn trông như hằn cổ trâu. Việc điều trị không dễ bởi các tổn thương bị nhiễm khuẩn, dùng thuốc hay có tác dụng phụ. Vì vậy, người bệnh nên được bác sĩ da liễu chỉ định dùng thuốc và theo dõi chặt. Tuyệt đối không gãi, không cạo, không chà xát. Nên rửa nhẹ nhàng bằng nước lã bình thường ngày 2 lần, không dùng xà phòng. Vảy nến: Người bệnh thấy xuất hiện các đám mảng đỏ kích thước khác nhau, giới hạn rõ, hơi gồ cao, nền cứng cộm. Có khi vảy trắng choáng gần hết nền đỏ, chỉ còn lại viền đỏ xung quanh rộng hơn lớp vảy. Vảy màu trắng đục bóng như màu nến trắng. Vảy nhiều tầng, nhiều lớp, dễ bong, khi cạo vụn ra như bột trắng, như phấn, như vết nến rơi lả tả. Vảy tái tạo rất nhanh, bong lớp này thì lớp khác lại đùn lên, số lượng nhiều. Vảy nến lành tính, bệnh nhân sống khỏe mạnh suốt đời, trừ một số thể nặng như vảy nến thể khớp, vảy nến
đỏ da toàn thân. Điều trị bệnh này chủ yếu là “làm sạch” tổn thương nhanh chóng và kéo dài thời gian tái phát. Người bệnh tuyệt đối không được tiêm các thuốc theo mách bảo như: depersolon, solu medrol, methyl prednisolon… sẽ làm bệnh nặng thêm. Chàm không tiết bã nhờn Vị trí bị tổn thương nặng nhất thường là mặt trước hai cẳng chân và mặt duỗi hai cẳng tay. Da người bệnh căng lên, khô, nhiều đường nứt ngang dọc, có vảy trắng mỏng, bong ở rìa, ngứa rát khó chịu. Nếu gãi nhiều sẽ gây bội nhiễm. Khi có những triệu chứng trên, người bệnh không nên tắm nước quá nóng, không kỳ, gãi mạnh. Nên đi khám chuyên khoa da liễu để được dùng thuốc kháng sinh, thuốc bôi làm mềm da, giữ ấm cho da. Ngoài ra cần uống nhiều nước trong ngày. Để phòng các bệnh trong mùa hanh khô, mọi người chú ý mặc quần áo thoải mái, không nóng quá, không lạnh quá, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi. Nếu có điều kiện, tùy theo nhu cầu sinh lý của cơ thể, tốt nhất mỗi ngày nên ăn 0,5kg hoa quả tươi hoặc rau xanh. Khi đi ra ngoài đường, nên đeo khẩu trang, mang kính, mũ để hạn chế bụi, gió khiến các bệnh ngoài da sẽ tái phát và nặng hơn.
Nguồn: https://tailieu.vn/doc/benh-da-o-nguoi-gia-1583102.html