Bệnh Học Lão Khoa – Từ Đại Cương Tới Thực Hành Lâm Sàng
Giới thiệu
Già hóa dân số là một hiện tượng mang tính toàn cầu, và Việt Nam cũng không không phải ngoại lệ. Năm 2012, Việt Nam chính thức ghi tên vào danh sách các quốc gia có dân số già hóa. Hơn thế nữa, trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới.
Cùng với sự già hóa dân số, mô hình bệnh tật ở nước ta cũng thay đổi. Một mặt chúng ta vẫn phải đường đầu với các bệnh nhiễm trùng, mặt khác chúng ta đang phải đối phó với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm (chủ yếu là các bệnh mạn tính, thoái hóa – nhóm bệnh đặc trưng của tuổi già) như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, sa sút trí tuệ, ung thư, loãng xương, thoái khớp… Hơn nữa, người già thường mắc cùng một lúc nhiều bệnh. Khác với các nhóm tuổi trẻ, ở người già có sự lão hóa của nhiều cơ quan; thời gian phục hồi sức khỏe lâu, vì vậy sau giai đoạn cấp người già cần tiếp tục được điều trị và phục hồi chức năng để đảm bảo sau khi ra viện họ tiếp tục duy trì được hoạt động hàng ngày của mình. Việc hỏi bệnh, khám bệnh, chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng ở người cao tuổi có nhiều đặc điểm khác so với các nhóm tuổi trẻ, chính vì vậy một chuyên ngành y học mới đã ra đời, chuyên ngành lão khoa.
Ở Việt Nam, ngay từ những năm 70 của thế kỉ trước, “Đơn vị Nghiên cứu Y học Tuổi già” (tiền thân của Bệnh viện Lão khoa Trung ương ngày nay) đã ra đời, dưới sự lãnh đạo của cố giáo sư Phạm Khuê. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã dành nhiều tâm huyết để phát triển ngành Lão khoa non trẻ của đất nước. Ông là tác giả của 19 đầu sách và là đồng tác giả của 31 đầu sách khác. Đây là một kho tàng kiến thức vô giá đối với nhiều thế hệ thầy thuốc Việt Nam.
Nhân dịp kỉ niệm 30 năm thành lập Bệnh viện Lão khoa Trung ương (1983-2013) và 10 năm ngày mất của giáo sư Phạm Khuê (1925-2003), chúng tôi tái bản cuốn “Bệnh học lão khoa – Từ đại cương tới thực hành lâm sàng”. Đây là cuốn sách đã được Nhà xuất bản Y học tái bản vào những năm 1993, 1998. Trong phiên bản lần này, chúng tôi sử dụng nguyên gốc bản thảo của giáo sư Phạm Khuê viết năm 1982. Với sự phát triển không ngừng của Y học trong những năm qua, một cuốn sách được viết cách đây hơn 30 năm chắc chắn sẽ có những điểm không còn mang tính thời sự, tuy nhiên giá trị khoa học và lịch sử của cuốn sách sẽ còn sống mãi với thời gian.
Nguồn: https://downloadsachyhoc.com/sach/benh-hoc-lao-khoa-tu-dai-cuong-toi-thuc-hanh-lam-sang/