MangYTe

Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bệnh QUAI BỊ và những biến chứng không thể xem thường

Quai bị là căn bệnh phổ biến, dễ lây lan thành dịch trong cộng đồng. Bệnh quai bị nếu không được điều trị đúng cách có thể để lại những biến chứng nguy hiểm cho người mắc.
Mục lục

BỆNH QUAI BỊ LÀ GÌ?

Quai bị hay còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ do virus thuộc họ Paramyxovirus gây ra. Thường gặp ở trẻ em ở độ tuổi từ 5-14 tuổi và thường không xảy ra ở trẻ em dưới 1 tuổi nhờ sự miễn dịch thụ động ở mẹ truyền qua.

Đặc trưng của bệnh là sưng đau tuyến nước bọt, đôi khi đi kèm theo viêm tuyến sinh dục, viêm màng não, viêm tụy và một số cơ quan khác.

Bệnh quai bị dễ dàng truyền nhiễm từ người này sang người khác, thông qua đường hô hấp: nước bọt, ho, hắt hơi và khi dùng chung những vật dụng cá nhân.

Bệnh có nguy cơ lây lan cao, trở thành dịch bệnh xảy ra khắp nơi, đặc biệt ở những nơi tập thể đông đúc như: trường hoc, nhà trẻ, khu vui chơi…

Quai bị còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai

BỆNH QUAI BỊ LÂY LAN NHƯ THẾ NÀO?

Bệnh quai bị lây lan trực tiếp qua đường hô hấp. Bệnh dễ gây thành dịch do tốc độ lây lan nhanh chóng.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ.

Bệnh có trên toàn thế giới và chỉ xuất hiện ở người, thường gặp nhất là ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Người lớn cũng có thể mắc bệnh nhưng tỉ lệ thấp hơn.

Bệnh do virus lây truyền qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi.

Vấn đề lây qua đường phân và nước tiểu hiện vẫn chưa được xác nhận dù virus quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2-3 tuần.

Khi bị nhiễm bệnh, virus nhân lên trong khoang tỵ hầu và hạch bạch huyết. Virus tăng cao trong huyết thanh khoảng 12-15 ngày sau nhiễm và lan ra các cơ quan khác.

Thời gian lây là từ 6 ngày trước cơn toàn phát sưng tuyến mang tai cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh lý.

Bệnh có đặc điểm dịch tễ rõ ràng, thường phát vào mùa xuân, nhất là trong khoảng thời gian tháng 4 và tháng 5, trong các môi trường tập thể như trường học, nhà trẻ. Tuổi nào cũng có thể bị bệnh quai bị, khả năng mắc bệnh ở nam cao hơn nữ.

Tuy nhiên ít gặp quai bị ở trẻ dưới 2 tuổi mặc dù trẻ chỉ được bảo vệ trong 6 tháng đầu nếu mẹ đã từng mắc bệnh quai bị. Sau 2 tuổi, tần suất bệnh tăng dần, đạt đỉnh cao ở lứa tuổi 10-19.

TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH QUAI BỊ

Thời kỳ ủ bệnh

Từ sau khi tiếp xúc với virus khoảng 14-25 ngày, thay đổi từ 2-4 tuần, trung bình 17-18 ngày; thời kỳ này không có triệu chứng nào cụ thể.

Thời kỳ khởi phát

- Suy nhược, kém ăn, miệng cảm giác khô.

- Mệt mỏi toàn thân, khó chịu, đau đầu.

- Bị sốt nhẹ, không kèm lạnh run.

- Đau họng và đau góc hàm.

- Vùng bị sưng không bị nóng, cũng không bị sung huyết.

- Tuyến mang tai to dần và đau nhức, đau gia tăng khi thăm khám hoặc khi nhai.

Thời kỳ toàn phát

- Tuyến mang tai sưng to (thông thường tối đa 2-3 ngày) và đau nhức một bên, sau đó lan qua bên đối diện và tuyến nước bọt khác, cao điểm 1 tuần sau đó nhỏ lại.

- Tuyến sưng lan ra vùng trước tai, mõm chũm, lan đến cung dưới xương gò má, lan đến dưới hàm và làm mất rãnh dưới hàm. Tuyến sưng to đẩy phình tai ra ngoài và lên trên, da trên tuyến đỏ, không nóng, ấn vào có cảm giác đàn hồi.

Tuy nhiên vẫn có những trường hợp không biểu hiện các triệu chứng như trên, khiến không ít người bị nhầm lẫn giữa bệnh quai bệnh và các bệnh khác (viêm tuyến nước bọt, viêm tuyến mang tai…).

Thời kỳ hồi phục

Sau 1 tuần, tuyến mang tai giảm đau và nhỏ dần; các triệu chứng đau họng, khó nuốt giảm và từ từ khỏi hẳn.

CÁC BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA BỆNH QUAI BỊ

Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn

Đây là biến chứng đặc biệt nguy hiểm và khiến nhiều người lo lắng nhất. Biến chứng này chỉ xảy ra ở nam giới với tỉ lệ 20-35% ở người sau tuổi dậy thì mắc phải bệnh quai bị.

Viêm tinh hoàn là biến chứng quai bị có thể gây vô sinh ở nam giới

Biến chứng có thể xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai từ 7-10 ngày, cũng có thể xuất hiện trước hoặc cùng lúc với biểu hiện lâm sàng của quai bị.

Khi gặp phải biến chứng này, người bệnh sẽ thấy phần tinh hoàn sưng to, đau nhức, mào tinh căng phù.

Tình trạng viêm tinh hoàn sẽ gây ra cơn sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% trường hợp tinh hoàn sẽ teo dần và dẫn tới suy giảm số lượng tinh trùng, thậm chí là vô sinh.

Nhồi máu phổi

Biến chứng này khiến một vùng phổi bị thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn đến tình trạng hoại tử mô phổi.

Đây là một biến chứng nặng nề, đặc biệt nguy hiểm, có thể xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị, vì hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến.

Viêm buồng trứng

Biến chứng viêm buồng trứng có tỉ lệ khoảng 7% ở nữ giới sau tuổi dậy thì. Tuy nhiên biến chứng này ít khi dẫn đến vô sinh.

Viêm tụy

Có tỷ lệ 3-7%, là một biểu hiện nặng của quai bị. Bệnh nhân bị đau bụng nhiều, buồn nôn, có khi tụt huyết áp.

Các tổn thương thần kinh

Mặc dù chỉ có tỉ lệ thấp, khoảng 0,5% nhưng biến chứng tổn thương thần kinh lại vô cùng nguy hiểm.

Khi gặp phải biến chứng này, bệnh nhân có các hiện tượng như: thay đổi tính tình, bứt rứt, khó chịu, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác, đầu to do não úng thủy.

Tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh.

Bệnh quai bị ở phụ nữ có thai

Những phụ nữ bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.

Một số biến chứng khác

Viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm thời), viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu.

NÊN LÀM GÌ KHI BỊ QUAI BỊ?

Ngay khi có những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh quai bị, bệnh nhân cần được đưa đi khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc đặc trị bệnh quai bị, do đó chủ yếu tập trung điều trị triệu chứng, tăng sức đề kháng để đẩy lùi bệnh và phòng tránh các biến chứng.

Chế độ nghỉ ngơi

- Bệnh nhân cần được cách ly và nên nằm nghỉ suốt giai đoạn sốt, đến khi nào những triệu chứng của bệnh khỏi hẳn.

- Bệnh nhân mắc bệnh quai bị không được làm việc nặng, vì có thể làm cho tinh hoàn bị sưng.

- Để giảm đau vùng tuyến nước bọt bị sưng, có thể áp một miếng gạc nóng vào.

- Trường hợp sốt cao có thể dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

Chế độ dinh dưỡng

- Bệnh nhân cần uống nhiều nước để làm giảm sưng và chống mất nước cho cơ thể. Tuy nhiên không nên uống nước ép trái cây, vì chúng chứa lượng axit cao, sẽ kích thích tuyến mang tai, tạo nhiều nước bọt gây đau nhiều hơn.

- Hạn chế thức ăn có chứa thành phần nếp (xôi, bánh chưng…) vì chúng có thể làm cho vùng hàm trở nên sưng to hơn.

- Nên chọn thức ăn dạng lỏng, mềm, dễ nuốt, hạn chế nhai nhiều.

Thói quen sinh hoạt

- Kiêng tắm nước lạnh: Bệnh nhân quai bị nên tắm bằng nước ấm và không ngâm mình quá lâu trong nước. Cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, không kiêng tắm hoàn toàn.

- Kiêng ra gió: sẽ làm cho vùng quai bị sưng to hơn và tránh phát tán mầm bệnh ra môi trường không khí lây lan cho người khác.

Trường hợp bị viêm tinh hoàn nên mặc quần lót nâng dịch hoàn để giảm đau, giảm căng.

Trường hợp bệnh tiến triển nặng, cần đưa bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định dùng thuốc hạ nhiệt, giảm đau chống viêm hoặc rạch giải ép túi tinh nhằm giải phóng tinh hoàn khỏi chèn ép và ngăn ngừa teo tinh hoàn thứ phát sau đó.

CÁCH PHÒNG TRÁNH BỆNH QUAI BỊ

Tiêm phòng quai bị

Vaccine phòng bệnh quai bị có tác dụng kích thích cho trẻ em sản sinh kháng thể kháng quai bị.

Cơ thể sẽ có kháng thể đạt mức độ cao nhất sau khi tiêm chủng 6-7 tuần.

Số lần tiêm: Nếu bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi: tiêm 3 lần, lần 1 lúc 9 tháng tuổi, lần 2 sau lần 1 sáu tháng, lần 3 khi trẻ từ 4-12 tuổi. Nếu bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi: tiêm 2 lần, lần 1 lúc 12 tháng tuổi lần 2 từ 4-12 tuổi.

Tiêm chủng khẩn cấp được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi, trẻ vị thành niên và người lớn nếu đã có tiếp xúc với bệnh nhân quai bị nhưng chưa có tiền sử mắc quai bị và chưa được tiêm chủng theo lịch phòng bệnh quai bị.

Trong trường hợp không có chống chỉ định, vaccine cần được tiêm không muộn hơn 72 giờ kể từ khi có tiếp xúc với bệnh nhân.

Cách ly người bệnh

Người mắc bệnh cần được cách ly với mọi cho đến khi nào thấy hết sưng, nhằm tránh việc lây nhiễm mầm bệnh cho người khác. Đặc biệt trong môi trường nhà trẻ, bệnh viện rất dễ lây lan.

Trong gia đình có người mắc bệnh quai bị thì khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang và không được dùng chung vật dụng cá nhân.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/gia-dinh-khoe/benh-quai-bi-va-nhung-bien-chung-khong-the-xem-thuong-26333/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY