Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong tuần qua, cả nước ghi nhận gần 4.400 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch SXH, với số ca mắc tăng và đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong.
Chăm sóc và điều trị trẻ mắc sốt xuất huyết.
Cụ thể, số ca mắc SXH ngay trong tuần đầu của tháng 9/2023 đã tăng gấp đôi so với tháng 8/2023. Theo đó, nếu như tháng 8/2023, có vào khoảng 500-600 ca SXH/tuần thì hiện tại đã vượt mốc 1.100 ca/tuần.
Nhận định về tình hình dịch SXH, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, khí hậu và thời tiết thời điểm này rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Hà Nội đang bước vào thời kỳ cao điểm của dịch SXH. Đáng lo ngại hơn khi tại một số nơi trên địa bàn Hà Nội, chỉ số BI (chỉ số bọ gậy) vẫn nằm ở mức nguy cơ cao.
Đơn cử, tại huyện Thạch Thất - nơi đứng đầu thành phố với 751 ca SXH, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, kết quả kiểm tra, giám sát một số ổ dịch tại đây vẫn ghi nhận chỉ số BI vượt ngưỡng nguy cơ từ 2-3 lần như xã Hữu Bằng, xã Phùng Xá… Tương tự, tại quận Hoàng Mai, một số khu vực nhà trọ, hộ dân, trường mầm non tại phường Định Công vẫn phát hiện bể chứa nước, các chậu hoa, cây cảnh có nhiều bọ gậy.
Ông Tuấn nhấn mạnh: “Việc phun hóa chất chỉ là khâu cắt ngọn, còn gốc của vấn đề là phải loại trừ được 100% các ổ bọ gậy. Bởi, nếu các ổ bọ gậy vẫn còn tồn tại thì chỉ trong một thời gian ngắn sẽ nở thành muỗi trưởng thành và truyền bệnh. Chính vì vậy, khẩu hiệu mà ngành Y tế đưa ra là “Không có bọ gậy thì không có SXH”.
Trước tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp, ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lý giải, thời tiết mưa nhiều tạo thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi, trong khi đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, nên mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao. “Thêm vào đó, thời điểm này, học sinh, sinh viên đã quay trở lại học tập, làm gia tăng các ca mắc SXH. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch”.
Ông Cương nhấn mạnh, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, cần sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh từ sớm, từ xa của mỗi cá nhân và tập thể. Bên cạnh đó, các nhà trường cần nâng cao ý thức phòng bệnh cho học sinh, cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục cũng như tại hộ gia đình, cộng đồng.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) khuyến cáo, đối với SXH, giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Vào giai đoạn này trẻ có thể vẫn còn sốt hoặc đã thuyên giảm nhưng có nguy cơ bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện thường nhận thấy như: Vật vã, bứt rứt, li bì, tụt huyết áp, xuất huyết dưới da… Đây là thời điểm các thầy thuốc cần đặc biệt chú ý trong điều trị, giảm tử vong ở trẻ.
“Với bệnh nhân mắc SXH Dengue thường sẽ có hướng dẫn chăm sóc điều trị tại nhà, còn với SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo như đau, triệu chứng nặng thì phải cho nhập viện và trong số SXH Dengue nhập viện, thoát dịch, thậm chí bệnh nhân sốc do thoát dịch, phải nhập viện cấp cứu, chống sốc bù dịch đúng để cứu sống bệnh nhân” - BS Lâm cho hay.
Theo BS Lâm, khi bệnh nhân sốt cao liên tục, để phân biệt với các bệnh khác thì SXH sẽ có thêm triệu chứng đau hốc mắt, xuất huyết trên da dạng phát ban, trên da có các xuất huyết li ti hoặc xuất huyết niêm mạc, chảy máu cam...
Nếu có biểu hiện sốt cao, người bệnh cần đến cơ sở y tế khám để xác định nguyên nhân trước. Còn khi để bệnh nhân theo dõi tại nhà, người bệnh cần nằm nghỉ, không nên mặc quá kín. Hàng ngày, người bệnh cần theo dõi nhiệt độ và chú ý phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh trở nặng để đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), khi mắc SXH chỉ nên hạ sốt bằng paracetamol, dùng 10 - 15mg/kg cân nặng. Người bệnh không dùng thuốc hạ sốt Ibuprofen, aspirin làm nặng thêm tình trạng xuất huyết. Đồng thời nên uống nhiều nước, có thể dùng oresol hoặc nước cam, chanh tươi, dừa thay thế. Tăng cường các loại thức ăn mềm như cháo, súp. Không ăn các thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ.