Hiện nay, nhiều người dân mách nhau cách xông hơi bằng các loại thảo dược như sả, gừng, chanh… để phòng chống COVID-19. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, nếu lạm dụng và xông không đúng cách có thể gây tổn thương niêm mạc đường thở, mất khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể.
Điều mà chúng ta nhìn thấy tràn lan trên mạng xã hội mấy ngày gần đần là hình ảnh các nồi xông thảo dược, tinh dầu. Đây là biện pháp được rất nhiều F0 đang điều trị tại nhà áp dụng.
|
Nhiều người dân mách nhau cách xông hơi bằng các loại thảo dược như sả, gừng, chanh… để phòng chống COVID-19. |
Theo chia sẻ của các F0, việc xông hơi giúp họ cảm thấy dễ chịu và giảm các triệu chứng như sổ mũi, nặng đầu hơn hẳn. Có nhiều người cho biết, bản thân xông hơi trên 3 lần/ngày. Thậm chí, một số tài khoản cá nhân còn giới thiệu các bài thuốc thảo dược xông hơi có thể giúp chữa khỏi Covid-19 chỉ sau 5 - 7 ngày.
Vậy việc xông có thực sự hiệu quả?
Theo BS Quách Duy Cường, Khoa Virus - Kí sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mục đích của phương pháp xông là làm loãng chất tiết dịch, làm mềm vảy mũi, cung cấp độ ẩm cho niêm mạc mũi bị khô, dẫn lưu các chất dịch ứ đọng vùng mũi được tốt hơn. Từ đó, xông hơi giúp bảo vệ lớp niêm mạc mũi họng, cải thiện các triệu chứng ngạt mũi, giảm xung huyết niêm mạc mũi, giúp người bệnh cảm giác thư giãn, thoải mái hơn. Tuy nhiên, xông hơi không có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm hay chữa khỏi bệnh Covid-19.
Khi nhiễm, virus sẽ chui vào tế bào niêm mạc đường hô hấp, nhờ tế bào của người bị nhiễm sản xuất ra nhiều virus mới và xâm chiếm các tế bào lân cận, lúc này xông hơi nóng chỉ ở ngoài bề mặt niêm mạc, không ảnh hưởng đến virus bên trong tế bào. Vì thế, súc họng hay xông mũi họng không làm sạch được virus.
"Xông mũi họng không có hại, nhưng phải được làm đúng cách. Người bệnh phải hiểu việc đó hoàn toàn không có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm hay chữa khỏi bệnh Covid-19. Xông hơi chỉ tác động ở ngoài bề mặt niêm mạc, không ảnh hưởng đến virus bên trong tế bào", BS Cường cho hay.
TS Bùi Lê Minh, Trưởng Ngành Công nghệ sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành phân tích, theo lý thuyết, ở nhiệt độ cao 60-70 độ C thì thời gian tồn tại của virus ngoài môi trường giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, lưu ý là khi đã nhiễm bệnh thì virus chủ yếu đang nằm trong các tế bào của cơ thể, chứ không phải dạng tự do nằm bên ngoài mô, tế bào. Vì thế, muốn tiêu diệt virus thì phải tiêu diệt tế bào mang virus đó trước, và với cách làm này, bạn đang tấn công tất cả tế bào tiếp xúc với nhiệt, bất kể còn lành lặn hay đã nhiễm virus. Do đó, để an toàn, F0 chỉ nên xông hơi nếu không sốt cao, thực hiện ở nơi kín gió và cũng không nên xông nhiều hơn một lần mỗi ngày và mỗi lần không quá 20 phút.
Một số nguy cơ sức khỏe khi lạm dụng xông hơi hoặc xông không đúng phương pháp
Các chuyên gia đã nhận định việc lạm dụng xông hơi trong quá trình tự điều trị Covid-19 sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mất điện giải và có thể tổn thương niêm mạc đường hô hấp.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể đổi mặt với một số nguy cơ sức khỏe khác như:
- Nguy cơ bị bỏng hoặc tai nạn khác khi xông hơi: Trong các báo cáo từ các nước Châu Á mà người dân hay dùng xông hơi để tự chữa bệnh ở nhà thì các trường hợp nhập viện do bỏng, ngất khi thực hiện xông hơi khá phổ biến. Đặc biệt là khi thực hiện xông hơi một mình và thiếu kinh nghiệm dễ bị tiếp xúc với nhiệt độ quá cao và không có ai hỗ trợ khi có sự cố xảy ra.
- Nguy cơ tổn thương biểu mô đường hô hấp và nhạy cảm hơn với virus: Như đã đề cập, muốn tiêu diệt virus thì phải tiêu diệt tế bào mang virus đó trước. Và với cách làm này, bệnh nhân đang tấn công tất cả tế bào tiếp xúc với nhiệt, bất kể còn lành lặn hay đã nhiễm virus. Các mô lành lặn bị tổn thương bởi nhiệt cũng dễ bị nhiễm virus hơn bình thường, nên xông hơi trong giai đoạn sớm thậm chí có nguy cơ làm virus lây lan nhanh hơn trong cơ thể. Ngoài ra, hơi nước đọng lại trên bề mặt đường thở sau đó có thể kéo theo một số virus còn khả năng lây xuống các vị trí sâu hơn.
Ngoài ra, việc xông hơi trong gia đình có cả người chưa mắc Covid-19, đặc biệt là không gian nhỏ, có nguy cơ làm phát tán virus ra môi trường xung quanh và bám trên các bề mặt, tăng cơ hội lây lan của virus.
Một nguy cơ khác của việc xông hơi không đúng cách là khi xông hơi quá lâu mà không cẩn thận có thể khiến người bệnh bị sốc nhiệt.
Khi trùm kín xông hơi nhiệt độ cao sau đó ra môi trường bên ngoài, đặc biệt là trong những ngày trời rét như hiện nay, có thể khiến người bệnh gặp nguy hiểm vì bị thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Cách xông hơi đúng
Sử dụng các thực phẩm như gừng, sả, tỏi... đun sôi để xông mũi là cách hiệu quả để giảm các triệu chứng, song cần thực hiện đúng cách. Lưu ý, xông hơi là chỉ ở ngoài bề mặt niêm mạc, không ảnh hưởng đến virus bên trong tế bào. Vì vậy chỉ có tác dụng giảm triệu chứng hô hấp, giúp người bệnh đỡ nghẹt mũi, khô họng, loãng đàm..., không có tác dụng ngăn ngừa, chữa khỏi bệnh Covid-19, cũng như không ngăn chặn được việc lây nhiễm bệnh.
F0 có thể xông hỗn hợp gừng, tỏi, sả để giảm triệu chứng, trước khi xông hơi cần làm sạch cơ thể. Hỗn hợp sau khi đun sôi, bạn chỉ cần phủ khăn vùng đầu mặt, hít thở sâu để hơi nước và tinh dầu đi vào vùng mũi họng. Hơi nước nóng bốc lên từ nồi xông làm giãn mạch ngoại biên, lượng máu được tăng cường sẽ kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài, giúp người bệnh có cảm giác dễ chịu.
Thời gian mỗi lần xông khoảng 20 phút. Sau khi xông xong lau khô, giữ ấm và tránh gió.
Lưu ý, trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần ngừng ngay. Người già yếu, có bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể... khi xông cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai tránh ngã.
Chỉ những người có triệu chứng mới nên xông hơi, không nên lạm dụng; nên xông hơi một mình, tần suất tốt nhất là một ngày một lần. Bên cạnh đó, tuân thủ những phương pháp phòng ngừa Covid-19.
Phong Vũ
Theo Người đưa tin