Cách xa bố mẹ và anh chị hàng ngàn km nhưng năm đầu tiên sau đám cưới, các con vẫn thường gọi điện về nhà hỏi thăm hết người nọ người kia.
Vợ chồng tôi có 3 đứa con. Hai đứa con trai đều lấy vợ ở gần nhà và sống ở quê cùng vợ chồng tôi. Chỉ có đứa con gái út không nghe lời, lấy chồng xa nhà tận Sài Gòn. Mặc dù cuộc sống của vợ chồng con rất ổn định về kinh tế vì đều có việc làm và đã mua được chung cư từ trước cưới, nhưng do xa xôi nên sau cưới chúng về quê có 1 lần.
Nếu như tôi thường xuyên được ôm ấp cháu nội và chăm chút cho 2 cô con dâu khi mang thai hoặc sau sinh thì với con gái, tôi không có được diễm phúc ấy. Từ lúc cưới đến giờ, các con chỉ về quê được duy nhất 1 lần vào dịp Tết năm trước nữa. Còn Tết ngoái với năm nay, 2 con cáo bận không về được vì con dâu tôi mới sinh, cháu ngoại còn khá non nớt.
Từ lúc cưới đến giờ, các con chỉ về quê được duy nhất 1 lần vào dịp Tết năm trước nữa. (Ảnh minh họa)
Con gái, con rể tôi được cái sống tình cảm. Tuy cách xa bố mẹ và anh chị hàng ngàn km nhưng năm đầu tiên sau đám cưới, các con vẫn thường gọi điện về nhà hỏi thăm hết người nọ người kia. Trong đó có đồ ăn khô ngon và lạ, con gái toàn gửi nhờ các nhà xe hay tài xế đường dài chúng quen về quê cho mọi người ăn.
Nhiều khi ở ngoài này, tôi nhớ con gái, con rể nhưng cũng không cách nào đi được. Thậm chí lúc con gái tôi ốm nghén phải nằm bệt 2 tháng, tôi cũng chẳng vào chăm được ngày nào. Mẹ con chỉ toàn gọi điện thoại động viên. Những lúc ấy con gái lại bảo:
“Mẹ đừng lo cho con, trong này con được chồng chăm lo cho chu đáo. Anh ấy không để con phải thiếu thốn thứ gì. Hơn nữa, bố mẹ chồng con cũng ở ngay đây 3km, tuần nào họ chẳng sang chơi. Họ thương con hệt như con gái vậy. Khi nào con gần sinh nếu muốn thì mẹ vào với con 2 tháng”.
Nghe con gái nói vậy, tôi cũng được an ủi phần nào. Nhưng rồi 2 tháng trước khi con gái sinh, tôi lại bị ngã gẫy chân phải bó bột suốt 1 thời gian dài. Vì thế lúc nó đẻ, tôi không vào được chăm sóc được. Nhưng con rể cũng bảo:
“Mẹ không phải nóng lòng vào đây với cháu ngoại làm gì, để ít nữa cháu cứng cáp hơn, con cho 2 mẹ con cô ấy bay ra. Lúc ấy mẹ con bà cháu tha hồ mà hàn huyên”.
Song 2 tháng đến cả 6 tháng sau sinh trôi qua mà con gái con rể vẫn chưa thấy về. Đợt rồi nhẩm tính đã tròn 2 năm các con chưa về quê, chân cũng đã bình phục nên tôi định làm 1 chuyến vào Nam chơi mà con rể nhất định ngăn cản. Nó cứ bảo tôi già rồi, đừng đi lại làm gì vất vả. Nhất định hè này sẽ cho vợ con nó về chơi.
Những gì con rể nói sao tôi cứ thấy có linh tính chẳng lành. Bởi suốt từ Tết tôi gọi điện thì cấm bao giờ thấy con gái nghe điện thoại. Chúng cũng không cho gọi video vì lấy lý do bảo sợ nói chuyện ồn ào làm cháu thức giấc không ai dỗ được. Mỗi khi tôi bảo con rể đưa máy cho con gái, nó lại bảo đang bận chăm con, đang tắm giặt này kia, không sao gặp được. Tôi không tin thì nó quay video hoặc gửi ảnh con gái đang chăm con cho tôi xem.
Chính bởi thế tôi quyết định nhờ đứa cháu họ đặt hộ vé máy bay rồi cùng nó vào Sài Gòn. Lần đầu tiên tìm đến chung cư nhà con gái ở, tôi phải hỏi thăm anh bảo vệ cách lên các tầng trên để vào nhà chúng. Thấy tôi là mẹ đẻ từ xa đến hỏi thăm con bé, bác bảo vệ đã dồn dập hỏi thăm:
“Cô Quyên nhà bác mấy hôm nay đỡ hơn trước chưa, lo quá nên bác bay từ ngoài đó vào đây à?”.
Bất ngờ trước lời hỏi thăm của bác bảo vệ tòa nhà, tôi đã nóng lòng gọi cho con rể xuống hỏi. Con rể xuống đưa mẹ vợ lên nhà rồi thú nhận con gái tôi sau sinh bị trầm cảm. Do sợ tôi lo lắng nên cứ phải giấu mẹ và cả nhà vợ ngoài ấy.
2 tháng trước, con gái tôi vẫn ở nhà chăm con và điều trị dưới sự giám sát của con rể và bố mẹ chồng. Nhưng 2 tháng nay bệnh tình nặng hơn nên cả nhà đã đưa con đến viện để tích cực điều trị.
Thôi đành tôi phải lưu lại nhà con rể 1 vài tháng để chăm con gái vậy vì lúc này con cần tôi nhất. (Ảnh minh họa)
Nói rồi con rể cùng bà thông gia đưa tôi đến viện gặp con gái. Thấy con ngồi thơ thơ thẩn thẩn trong viện nói cười 1 mình mà nước mắt tôi giàn giụa và đau lòng quá. Tôi hỏi con rể tại sao vợ nó lại bị trầm cảm sau sinh hay là do anh đối xử bạc bẽo. Con rể và thông gia đều khẳng định không ai đối xử tệ bạc với con gái tôi hết, cả nhà rất yêu thương nhưng không hiểu tại sao sau sinh con lại bị như vậy và mỗi ngày 1 nặng hơn. Đến bác sĩ điều trị cũng không biết rõ được lý do tại sao con gái tôi lại vậy.
Nhìn con gái bây giờ không nhận cả ra mẹ đẻ mình mà tôi lòng đau như cắt. Có lẽ tôi sẽ thuyết phục thông gia và con rể cho con gái về Bắc để tôi chăm con bé đến khi nó bình phục. Thế nhưng con rể và thông gia không chịu, bảo như vậy vất vả cho tôi quá, cứ để vợ nó điều trị ở đây xem như nào đã.
Thôi đành tôi phải lưu lại nhà con rể 1 vài tháng để chăm con gái vậy. Vì lúc này con gái cần tôi nhất. Nhưng tôi cứ băn khoăn không biết tại sao con bé lại bị trầm cảm sau sinh như vậy?
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh?
Trầm cảm là một trong những bệnh lý tâm lý nghiêm trọng, đặc biệt thường gặp ở phụ nữ sau sinh do nhiều nguyên nhân. Bệnh có thể khởi phát bất cứ lúc nào ở phụ nữ sau khi sinh con, phổ biến nhất là trong 3 tuần đầu tiên.
Các nhà khoa học mong muốn tìm ra nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh để hỗ trợ phụ nữ, song chưa xác định được nguyên nhân chính. Vấn đề tâm lý này ở mỗi người có thể xuất phát từ nguyên nhân khác nhau hoặc cùng nguyên nhân nhưng có người mắc có người không. Có thể nói, trầm cảm sau sinh là triệu chứng kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm cả thể chất tinh thần và tâm lý gây ra.
Thay đổi nội tiết tố
Không chỉ trong thời gian thai kỳ, nội tiết tố của người phụ nữ thay đổi mà sau khi sinh, nồng độ hormone cũng không ổn định. Thường sau sinh vài giờ, estrogen và progesterone trong cơ thể mẹ giảm mạnh đột ngột, khiến tinh thần đi xuống và là nguyên nhân dẫn đến trạng thái trầm cảm.
Vấn đề này tương tự như tinh thần căng thẳng, dễ nóng gắt ở phụ nữ trước mỗi chu kỳ kinh nguyệt do nồng độ hormone biến đổi nhưng nặng hơn.
Yếu tố cảm xúc
Mang thai và sinh con là điều thiêng liêng với mỗi người phụ nữ, song những trường hợp mang thai ngoài ý muốn hoặc không theo kế hoạch, không có sự hỗ trợ động viên của chồng hay bố mẹ đều có thể ảnh hưởng tới cảm xúc của người phụ nữ.
Ngoài ra, đau đớn sau khi sinh cùng việc bé có sức khỏe yếu, phải điều trị dài ngày ở bệnh viện càng làm tăng thêm gánh nặng tinh thần cho người mẹ. Những cảm xúc tiêu cực như buồn giận, có lỗi dần nặng nề hơn dẫn tới trầm cảm.
Người có tiền sử bị trầm cảm
Những người từng mắc trầm cảm trước đó dù đã được điều trị thì khi mang thai và sau sinh, nguy cơ bệnh tái phát cao hơn so với bình thường.
Mệt mỏi
Mệt mỏi thể chất là tình trạng sức khỏe tất yếu mà người phụ nữ cảm thấy sau khi sinh, họ đã dồn nhiều sức lực cho việc vượt cạn. Các nhà khoa học cho biết, người phụ nữ phải mất nhiều tuần trời để phục hồi sức khỏe và năng lượng ở mức bình thường. Với các ca sinh khó, sinh theo phương pháp mổ, thời gian phục hồi còn lâu hơn và đau đớn, mệt mỏi còn nặng nề hơn.
Yếu tố đời sống
Yếu tố đời sống và tinh thần đến từ người chồng, người thân,… ảnh hưởng rất lớn đến mẹ sau sinh. Đặc biệt ở những mẹ thiếu sự giúp đỡ của người thân trong việc chăm sóc con hoặc trải qua vấn đề tâm lý do người thân vừa qua đời, người thân mắc bệnh, thay đổi nơi ở,… cũng có nguy cơ trầm cảm sau sinh cao hơn.
- Video nhờ đồng nghiệp chở đi khám thai, tôi chết lặng khi thấy hành động của chồng.
Theo Đời sống gia đình
Link bài gốc Lấy link
https://doisonggiadinh.baophunuthudo.vn/goc-khuat/2-nam-con-gai-khong-ve-que-nghi-le-toi-khan-goi-vao-tham-de-roi-nuoc-mat-gian-giua-khi-thay-con-tho-than-trong-vien-c74a25150.html
Theo Đời sống gia đình