(MangYTe) - Trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 10 năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM phối hợp cùng Sở Du lịch và Sở Ngoại vụ TP tổ chức Tọa đàm Nét đẹp Áo dài Việt và hội nhập quốc tế, qua đây các đại biểu đã cùng nhau trao đổi những câu chuyện về chiếc áo dài trong văn hóa ngoại giao, vai trò “sứ giả văn hóa” của áo dài, cùng việc bảo tồn và phát huy giá trị của áo dài trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng…
Trải bao thăng trầm, áo dài đã vượt qua nhiều thử thách để luôn là biểu tượng của văn hóa Việt với sức sống mạnh mẽ (ảnh minh họa)
Chiếc cầu nối văn hóa
Có thể nói, ngoại giao văn hóa đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy thực hiện ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, đóng góp thiết thực vào nhiệm vụ phát triển đất nước, quảng bá hình ảnh, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới. Áo dài ngày càng trở nên quen thuộc và đã trở thành biểu tượng của Việt Nam trong lòng bạn bè thế giới. Vì thế, suốt nhiều năm qua, hình ảnh áo dài không chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, Tết, các sự kiện mang tính chất riêng của đất nước, mà còn hiện diện nhiều hơn ở các sự kiện quốc tế, ngoại giao.
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP.HCM cho biết, áo dài không đơn thuần là một loại trang phục mà nó chứa đựng cả một bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý, những quan niệm thẩm mỹ, nghệ thuật, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. “Trải qua nhiều thăng trầm, áo dài ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục Việt, tuy có sáng tạo và cách tân để phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại, nhưng áo dài đã vượt qua nhiều thử thách để luôn là biểu tượng của văn hóa Việt với sức sống mạnh mẽ”, bà Lâm Thị Ngọc Hoa nhấn mạnh. Và đặc biệt, không chỉ các nữ lãnh đạo hay các phu nhân của Việt Nam mặc áo dài, mà trang phục này còn là lựa chọn của nhiều nguyên thủ, lãnh đạo, phu nhân, nhà ngoại giao của các nước mỗi khi đến Việt Nam.
Còn với chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai: “Áo dài giúp chúng ta che đi khuyết điểm, nên ai cũng có thể mặc áo dài, ở bất kỳ sự kiện nào. Áo dài của cô giáo lên lớp khác với áo dài của ca sĩ… nhưng tất cả vẫn mang đậm hồn cốt của người mặc, của chiếc áo dài”.
Chính vì thế, ông Phạm Dứt Điểm, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM cho rằng, áo dài mang sứ mệnh ngoại giao văn hóa, đồng thời là cầu nối ngoại giao hiệu quả khi có mặt khắp năm châu. Tại Tọa đàm, ông cũng đã đưa ra một số dẫn chứng, như năm 2006, Việt Nam lần đầu tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), lãnh đạo các nền kinh tế thành viên đã cùng mặc áo dài truyền thống của Việt Nam; hay trong chuyến thăm mới đây, phu nhân Tổng thống Hàn Quốc, bà Kim Keon Hee, đã mặc áo dài, thưởng trà, xem trình diễn áo dài và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam…
Cũng trong buổi Tọa đàm, các nữ Tổng lãnh sự, phu nhân Tổng lãnh sự tại TP.HCM đều cho rằng, áo dài không chỉ là thời trang mà còn thấm đẫm nét đẹp văn hóa Việt. Bà Milena Padula, phu nhân Tổng lãnh sự Ý tại TP.HCM, Chủ tịch Câu lạc bộ Lãnh sự tại TP.HCM cho biết, cách đây hai năm, khi đến Việt Nam bà đã bắt gặp hình ảnh những áo dài trên đường phố và bà yêu áo dài từ đó. “Tôi nghĩ cách người Việt Nam trân trọng áo dài, trân trọng truyền thống chính là nét đẹp văn hóa. Tôi cảm kích những nỗ lực của các bạn đã tổ chức Lễ hội Áo dài hoành tráng, ấn tượng. Tôi rất thích mặc áo dài trong những dịp đặc biệt, đó là những ký ức đẹp mà tôi sẽ không bao giờ quên”, bà Milena Padula chia sẻ.
Còn bà Tri Astuti Sofjan, phu nhân Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM bày tỏ: “Tôi rất ấn tượng với Lễ hội Áo dài năm nay của TP.HCM. Đây là năm thứ ba tôi được mời tham gia chương trình này, và tôi chợt nhận ra rằng, ngày càng có nhiều người mặc áo dài hơn, không chỉ phụ nữ mà cả nam giới cũng diện áo dài. Thật tuyệt vời! Tôi nghĩ đó là cách quảng bá rất hay để bạn bè quốc tế hiểu hơn về áo dài Việt Nam”.
Các vị đại biểu trình diễn áo dài tại Tọa đàm
Những “sứ giả” đưa áo dài ra thế giới
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, áo dài ngày càng khẳng định là bộ trang phục đại diện cho sắc phục Việt Nam, của người Việt Nam và do người Việt Nam sáng tạo. Áo dài ngày nay còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam trước thế giới. Trải qua các giai đoạn phát triển với những cải biến, cách tân, sử dụng ngày càng đa dạng chất liệu, kiểu dáng thiết kế, màu sắc, hoa văn, áo dài Việt Nam đã và đang cho thấy một sức sống mạnh mẽ.
Là một NTK có niềm say mê với tà áo dài, anh Đức Vincie bày tỏ, việc áp dụng những xu hướng thời trang hiện đại vào tà áo truyền thống là điều cần thiết để mang quốc phục đến gần hơn với người trẻ và xa hơn là bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, suốt quá trình sáng tạo cũng như trong vai trò của một “đại sứ”, anh luôn cân nhắc việc đổi mới dựa trên những quy định, khuôn khổ cho phép và không để sự phá cách quá đà gây phản cảm, làm xấu hình ảnh áo dài. NTK Đức Vincie tin rằng, hình ảnh những tà áo dài truyền thống, những chi tiết được lấy cảm hứng từ bản sắc dân tộc, chất liệu quen thuộc của quê hương… sẽ được quảng bá đến không chỉ người Việt mà còn với bạn bè trên khắp thế giới.
Còn với hoa hậu Ngọc Châu, cô cho biết bản thân luôn ưu tiên mặc áo dài ở các sự kiện, hoạt động trong và ngoài nước, qua đó lan tỏa áo dài đến với nhiều người hơn. Hoa hậu Ngọc Châu cho hay, việc trở thành Đại sứ Lễ hội Áo dài là cơ hội để quảng bá, đưa tình yêu áo dài truyền thống đến với mọi người. “Châu tự hào khi khoác trên mình chiếc áo dài. Nếu chúng ta yêu văn hóa Việt, hãy chọn áo dài cho cuộc sống hằng ngày”, nàng hậu chia sẻ.
Phát biểu tổng kết, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM ghi nhận những chia sẻ, ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Tọa đàm. “Chính sự sáng tạo và tình yêu áo dài của nhà thiết kế, các đại sứ, mỗi người một cách nhưng đều chung một tình yêu, đã làm nên sức sống trường tồn của áo dài. Chúng tôi cảm kích, trân trọng sự quan tâm của các Tổng lãnh sự, bạn bè quốc tế và du khách gần xa. Tất cả tình cảm, sự đón nhận và quan tâm đã trở thành nguồn động lực quý giá để BTC tiếp tục có những hoạt động cụ thể, thiết thực để cùng nuôi dưỡng, tôn vinh tình yêu dành cho áo dài”, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho hay.
HỒNG HẠNH