(MangYTe) - Ngày hội Việt phục Tóc xanh vạt áo năm 2024 sẽ diễn ra vào 24.3 tại Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM). Hoạt động năm nay được tổ chức nhân kỷ niệm 280 năm (1744-2024) ngày Võ vương Nguyễn Phúc Khoát định chế áo dài, qua đó góp phần khẳng định vị thế vẻ đẹp của áo dài truyền thống trong dòng chảy thời trang đương đại.
Trình diễn cổ phục Việt tại ngày hội
Theo BTC, sự kiện lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 30 gian hàng cùng hơn 20 đơn vị làm văn hóa ở Hà Nội, Huế, Nha Trang và TP.HCM tham gia. Bên cạnh hoạt động triển lãm, trưng bày áo dài, nhiều chương trình đặc sắc khác cũng sẽ diễn ra song song, như: Tọa đàm Thú chơi cổ ngoạn và cổ vật; trình diễn Việt phục của các thương hiệu nổi tiếng; trình diễn trang phục cổ truyền và nghệ thuật truyền thống Chăm Pa; trình diễn các loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống như Quan họ, Cải lương, Nhã nhạc cung đình Huế…; workshop Di sản đô thị Sài Gòn - Nam Bộ qua các bản đồ.
Điểm nhấn trong Ngày hội là diễn đàn 280 năm định chế áo dài - 10 năm nhìn lại phong trào cổ phong Việt Nam, được tổ chức vào chiều tối ngày 23.3 tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Tại đây, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia nhận định: Áo ngũ thân - tiền thân của áo dài hiện đại, được hình thành, sáng tạo bởi cư dân Đàng Trong trong quá trình Nam tiến và hòa nhập vào cộng đồng Đông Nam Á. Tròn 280 năm trước, sau khi xưng vương hiệu và xây dựng Đô thành ở Phú Xuân - Huế, bên cạnh việc định ra triều phục, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã quyết định sử dụng bộ trang phục áo ngũ thân làm thường phục thống nhất cho cư dân Đàng Trong. Sau khi thống nhất toàn vẹn đất nước từ Nam Quan đến mũi Cà Mau, triều Nguyễn đã tiến hành thống nhất trang phục Bắc - Nam nhằm thể hiện sự đồng nhất về văn hóa của một quốc gia độc lập, văn minh. Đến giữa thế kỷ XIX, trang phục áo dài ngũ thân đã trở thành loại lễ phục và thường phục phổ biến trong toàn cõi Việt Nam, trở thành quốc phục của người Việt ở cả hai giới. Áo dài đã góp phần quan trọng tạo nên một hình ảnh riêng, bản sắc riêng, là thương hiệu và phương tiện nhận diện của người Việt Nam trong suốt mấy trăm năm qua.
Sau ba kỳ diễn ra thành công, thu hút đông đảo giới yêu văn hóa - lịch sử, các chuyên gia, đặc biệt là các bạn trẻ, có thể khẳng định Ngày hội Tóc xanh vạt áo tiếp tục là cơ hội để đông đảo khán giả, du khách có dịp trải nghiệm di sản vật chất và tinh thần của cha ông, từ đó học hỏi những bài học lý thú và sinh động về văn hóa cổ truyền. Đây cũng là không gian để các bạn có thể đắm mình trong văn hóa truyền thống, kiêu hãnh khoác lên những trang phục dân tộc, mang đến câu chuyện xưa cũng như kết giao những người bạn mới, lan tỏa tinh thần tìm về vốn cổ cho giới trẻ.
Chia sẻ về ý nghĩa của chương trình, TS Lê Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH KHXH&NV bày tỏ: “Trong những năm trở lại đây, với sự nghiên cứu của các tổ chức và hội nhóm, đặc biệt là những người trẻ, chiếc áo ngũ thân trong cuộc cải cách trang phục của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã dần hồi sinh và được công chúng biết đến như một dạng thức trang phục đặc trưng của người Việt. Tóc xanh vạt áo mong ước sẽ trở thành ngày hội tôn vinh văn hóa truyền thống tiếp nối những di sản của tiền nhân”.
Tham gia chương trình năm 2023 vừa qua, TS Phan Thanh Hải cho rằng, các bạn trẻ đang làm rất tốt, rất nghiêm túc câu chuyện giữ gìn và lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thể hiện được phần nào sự hiểu biết sâu sắc, đầy đủ về các đặc trưng, đặc điểm của văn hóa Việt; đảm bảo không xa rời truyền thống, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc nhưng vẫn hòa mình vào dòng chảy chung của thời đại.
Theo TS Hải, Thừa Thiên Huế là nơi hội tụ của rất nhiều nghề thủ công truyền thống, những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, những làn điệu dân ca cung đình vốn là niềm tự hào của dân tộc… Song hành với những giá trị lịch sử được gìn giữ, câu chuyện phục hồi chiếc áo dài truyền thống được khởi xướng từ Huế đang có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với cộng đồng, nhất là trong giới trẻ. Ngày hội Việt phục Tóc xanh vạt áo cũng đang góp phần vào hành trình khẳng định giá trị của áo dài nói riêng, truyền thống dân tộc nói chung.
THÙY TRANG