Từ thời Tần Thủy Hoàng mà tính đi thì hơn hai ngàn năm ròng rã của lịch sử, Trung Quốc đã có hơn 400 vị Hoàng Đế xuất hiện. Tuy nhiên chỉ có 5 vị Hoàng Đế tại vị hơn 50 năm trên ngai vàng.
Sau khi Tần vương nhất thống Trung Quốc liền cho rằng đức của mình hơn cả Tam Hoàng (ba ông vua trong truyền thuyết cổ đại Trung Quốc là Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhân Hoàng), công vượt qua cả Ngũ Đế (Năm ông vua trong truyền thuyết Trung Quốc là Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn) liền dùng chữ Hoàng Đế để chỉ người thống trị cho nhất Hoa Hạ (tên cũ của Trung Quốc). Ông là người đứng đầu quốc gia gọi là Thủy Hoàng Đế. Từ "Hoàng Đế" này sau đó được sử dụng trong hơn hai nghìn năm cổ đại phong kiến. Từ thời Tần Thủy Hoàng mà tính đi thì hơn hai ngàn năm ròng rã của lịch sử, Trung Quốc đã có hơn 400 vị Hoàng Đế xuất hiện.
Ảnh minh họa.
Từ những yếu tố bên ngoài lẫn bên trong ảnh hưởng thì những vị Hoàng Đế này tuổi tác đăng cơ cùng thời gian tại vị đều không giống nhau. Tính cẩn thận thì toàn bộ vương triều cổ đại phong kiến hơn 400 vị Hoàng Đế kia chỉ có 5 người tại vị vượt qua 50 năm. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng thời gian tại vị dù có dài thì cũng không đồng nghĩa với việc đó là một quân vương sáng suốt, có khi đơn thuần chỉ là do tuổi thọ quá dài mà thôi.
Thanh Thánh Tổ tại vị 61 năm
Thanh Thánh Tổ - Ái Tân Giác La Huyền Diệp đăng cơ khi chỉ mới 8 tuổi. Năm 14 tuổi bắt đầu tự mình chấp chính, tại vị suốt 61 năm. Khang Hi xưa nay vẫn luôn được đưa vào danh sách hàng ngũ minh quân nhưng thực tế mà nói thì ông cùng với Đường Huyền Tông khá giống nhau, chăm chỉ ở giai đoạn đầu nhưng sau đó dần chán chường, mỏi mệt. Trước khi Khang Hi chấp chính, tình hình trong nước đã rối như tơ vò, đối mặt với tình huống như thế ông đã cho thấy được khả năng chỉ huy quân sự tài ba của mình. Dẹp loạn Tam phiên, cuộc chiến Nhã Khắc Tát, dẹp yên Cát Nhĩ Đan, dùng vũ lực để bảo đảm lãnh thổ hoàn chỉnh và thống nhất. Hơn nữa còn sáng lập nên Liên minh Đa Luân thay thế được chiến tranh.
Đồng thời chú ý nghỉ ngơi lấy sức phát triển kinh tế, thực thi nhân chính, lôi kéo các kẻ sĩ của Hán tộc. Nói đến những điều trên thì đã cho thấy ông là một quân vương anh minh không còn gì đáng trách, tạo nên một cục diện Khang Càn thịnh thế. Có một điều đáng tiếc chính là tuổi già của Khang Hi để lại một vết nhơ khiến cho những gì ông làm trước đó đổ sông đổ biển. Sự kiện các vị Hoàng tử nhân việc phế thái tử mà tranh đoạt ngôi hoàng đế tạo nên câu chuyện "Cửu tử đoạt đích" vô cùng khắc nghiệt, kịch liệt khiến cho tuổi già của Khang Hi bị ảnh hưởng xấu đi.
Thanh Cao Tông tại vị 60 năm
Thanh Cao Tông - Ái Tân Giác La Hoằng Lịch nếu tính cẩn thận là chính là vị hoàng đế tại vị lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc, thực tế thống trị dài tận 63 năm 4 tháng. Thế nhưng Càn Long lại khá sùng bái tổ phụ của mình là Khang Hi nên không muốn rằng vượt qua tổ phụ của mình nên vào năm 60 tuổi đã lựa chọn nhường lại ngai vàng. Thời kỳ trị vì của Càn Long là thời cực thịnh về kinh tế cũng như quân sự của Đại Thanh. Vào thời kỳ này, lãnh thổ nhà Thanh kéo dài từ Châu thổ sông Y Lê và Tân Cương, lãnh thổ Trung Quốc mở rộng đến tối đa.
Cách cai trị của Càn Long học nhiều ở Khang Hi, lúc lên ngôi Càn Long đã mở một số cuộc viễn chinh với kết quả lẫn lộn. Ông cũng thu nạp rất nhiều phi tần ở các chuyến tuần du, vi hành của mình. Đồng thời ông cũng thi hành nhiều chính sách hợp lý khiến đất nước thêm cường thịnh xứng đáng được khen là ông vua có tài cai trị. Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối đời ông trở nên tự mãn và tiêu xài hoang phí khiến ngân khố bắt đầu thiếu hụt. Ông cũng dung túng cho lộng thần tham nhũng là Hòa Thân, khiến đội ngũ quan lại nhà Thanh dần bị tha hoá. Sự suy yếu của nhà Thanh, trên thực tế đã bắt đầu từ giai đoạn cuối đời Càn Long.
Hán Vũ Đế tại vị 54 năm
Hán Vũ Đế Lưu Triệt đăng cơ năm 15 tuổi, tại vị thời gian dài tới 54 năm. Ông được đánh giá là một vị hoàng đế tài ba, đã làm nhiều việc củng cố nền cai trị và mở cửa ra bên ngoài. Dưới thời trị vì của ông, nhà Hán đã phát triển mạnh về chính trị và quân đội, tiến hành các cuộc xâm lược vào Vệ Mãn Triều Tiên, Dạ Lang, Hung Nô, Nam Việt, Mân Việt, Đông Âu. Đồng thời kết thân và thiết lập quan hệ với các nước ở phía Tây, mở rộng lãnh thổ phía Đông. Ngoài ra ông còn chủ trương sử dụng Nho giáo làm tư tưởng trị nước nhưng cũng tôn sùng Đạo giáo.
Hán Vũ Đế cùng Tần Thủy Hoàng được đánh giá là những vị Hoàng đế vĩ đại bậc nhất trong thời kỳ đầu của Đế quốc Trung Hoa, được xưng tụng bằng cụm từ Tần Hoàng Hán Vũ. Cuối đời, do tin vào thuật trường sinh bất lão, Hán Vũ Đế đã tiêu tốn rất nhiều vàng bạc để đi tìm thuốc trường sinh và tin dùng gian thần Giang Sung, dẫn đến vụ án Vu Cổ vào năm 91 TCN và cái chết của Thái tử Lưu Cư, con trai trưởng của ông.
Hạ Sùng Tông tại vị 54 năm
Hạ Sùng Tông Lý Càn Thuận lên ngôi từ năm 3 tuổi, lúc đó Lương Thái hậu nắm quyền nhiếp chính, chính trị nhà Tây Hạ hủ bại, quân đội suy nhược. Nhà Tống nhân cơ hội đem quân xâm chiếm, quân đội Tây Hạ nhiều lần thất bại. Khi Lương Thái hậu bị sứ giả nhà Liêu hại chết bằng thuốc độc, Sùng Tông tự thân nắm quyền chấp chính. Khi cầm quyền, Sùng Tông tiếp tục quá trình Hán hóa và xóa bớt sức mạnh của các thị tộc Đảng Hạng, quy định những tộc trưởng bộ lạc như những người lãnh đạo có lực lượng chính trị mạnh nhưng bắt buộc phải tuân theo mệnh lệnh của triều đình Tây Hạ, sức mạnh và ảnh hưởng của họ bị vua Sùng Tông giảm đi đáng kể.
Ông tiến hành chỉnh đốn lại công việc triều chính, giảm thiểu phú thuế, chú trọng phát triển nông nghiệp, cải tạo thủy lợi. Nhờ vậy mà Tây Hạ lại trở nên cường thịnh, kinh tế xã hội phát triển tốt đẹp, chính trị rõ ràng. Thời kỳ này được sử sách ghi lại là Vĩnh An chi trị. Về chính sách đối ngoại ông cũng thể hiện rất tinh tế, giai đoạn này cả Tống lẫn Liêu đều suy yếu. Trước tiên, ông liên thủ với Liêu để đánh Tống, đoạt lại phần lớn đất đai.
Đến thời kỳ Liêu Thiên Tộ Đế thì nhà Kim tấn công Liêu. Nhà Liêu cầu cứu thì ông lại cự tuyệt, liên thủ với Kim để tiêu diệt cả Liêu lẫn Tống và nhân cơ hội đó chiếm thêm một vùng đất rộng lớn ở hành lang Hà Tây dài trên cả ngàn lý. Trong thời gian trị vì của mình, Sùng Tông trọng dụng Khổng giáo, dùng những người có học làm quan trong triều, củng cố quân đội, yên ổn dân sự,... Nói chung đời vua Sùng Tông là một thời tương đối ổn định và phát triển của triều Tây Hạ.
Hạ Nhân Tông tại vị 54 năm
Hạ Nhân Tông Lý Nhân Hiếu là con trai của Lý Càn Thuận. Ông đăng cơ vào năm 16 tuổi, tại vị suốt 54 năm. Năm 1170, Nhân Tông phát giác được âm mưu binh biến. Ông ra lệnh xử tử những kẻ phản nghịch. Sau việc này, Nhân Tông nghi ngờ các tướng, gây nên tình trạng bất ổn trong quân đội. Trong những năm trị vì sau này, Tây Hạ đã bắt đầu cuộc chiến tranh với nhiều kẻ thù khác nhau.
Sau khi củng cố ngai vàng, Nhân Tông đặt quan hệ bang giao với nhà Kim. Trong nước, Nhân Tông lập ra trường học, song song với việc đó, ông cho mở các kỳ thi để tìm kiếm nhân tài. Cũng giống như vua cha, là người sùng Nho giáo nên ông đã xây dựng nhiều đền thờ Khổng Tử. Trong suốt thời gian cầm quyền, Nhân Tông mời một lạt ma Tây Tạng về làm cố vấn tôn giáo và cho khắc in nhiều bản kinh của Phật giáo.
Tây Hạ dưới thời Nhân Tông cực kì thịnh trị, ông tập trung chính quyền về tay trung ương. Nhiều bộ lạc lớn nhỏ ở phía Tây và phía Bắc đều quy thuận triều đình. Triều đại của ông cũng trùng với cao trào của chiến tranh Nam Tống - Kim nhưng tương đối hiếm có xung đột. Hạ Nhân Tông cùng với Càn Long có thể nói là khá giống nhau.
- Video: Bí ẩn ngọn đèn "cháy sáng ngàn năm không tắt" trong lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng. Nguồn: VTV24.
Theo Vũ Phong/Công lý & Xã hội
Link bài gốc Lấy link
https://xahoi.congly.vn/thoi-co-dai-trung-quoc-co-tong-cong-422-vi-hoang-de-nhung-tai-vi-qua-50-nam-chi-co-5-nguoi-nay-311326.html
Theo Vũ Phong/Công lý & Xã hội