Đi làm hay ở nhà chăm con là một câu chuyện khiến nhiều người phụ nữ đau đầu.
Mới đây, một người chồng bác sĩ sở hữu trang cá nhân gần 100 nghìn lượt theo dõi đã khiến chị em một phen xôn xao trước câu chuyện riêng của gia đình mình nhưng cũng là chuyện chung của rất nhiều bà mẹ khác. Nguyên văn chia sẻ của anh như sau:
"CÓ NHỮNG THỨ KHÔNG THỂ BÙ ĐẮP ĐƯỢC.
Về cơ bản, nhà mình không phải thuộc diện khó khăn. Mình lo đủ cho gia đình mà không cần quá lo nghĩ.
Câu chuyện bắt đầu khi Ken được 12 tháng, vợ mình đòi đi làm. Vợ mình làm giáo viên mầm non, cô ấy lấy lý do là đi làm sau này cho Ken đi theo học chứ không phải làm lấy lương phục vụ cuộc sống. Cũng không phải do tù túng ở nhà vì cơ bản nhà mình hay đi du lịch và vợ hay ra ngoài chơi. Mình mới hỏi:
- Em đi làm Ken ở nhà ai trông?
- Bà ngoại trông, anh yên tâm.
- Thế em làm lương tháng bao nhiêu?
- Hơn 4 triệu.
- Bà bỏ công việc ra trông con cho em, em trả bà bao nhiêu?
- 3 triệu/1 tháng.
Có hai vấn đề:
- Thứ nhất: 4 triệu với em bây giờ thêm hoặc không có cũng không có giá trị nhiều.
- Thứ hai: Em vẫn đưa bà 3 triệu. Vậy em còn 1 triệu. Càng không giá trị. Nhưng em mất toàn bộ nửa ngày cho con. Anh không tính đi làm về mệt mỏi (do em làm giáo viên mầm non) chăm con không tốt nữa. Em thấy có đáng không? 0-24 tháng là thời gian rất quan trọng đối với một đứa trẻ. Chúng cần mẹ để phát triển tốt hơn cả tâm S*nh l*.
Hôm nào em rảnh, anh cho em đến phòng khám của anh xem những giọt nước mắt của những người mẹ có con chậm nói, tăng động, tự kỷ để xem, tiền đó có đủ giúp bé ổn định hoà nhập cộng đồng không, hay còn mất thêm tiền và thời gian nữa?
Có những thứ không thể lấy lại được đó là thời gian, nhất là thời gian bên con. Các ông bố hãy cố là người mạnh mẽ và có trách nhiệm, giúp con mình bên mẹ chúng ít nhất 2 năm đầu đơi. Vì đây là "THỜI ĐIỂM VÀNG".
Tất nhiên mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhưng nếu có điều kiện tốt, hãy cố dành cho bé".
Chia sẻ của người chồng này đã nhanh chóng nhận được đông đảo sự quan tâm của các bà mẹ bỉm sữa và lập tức làm nổ ra một cuộc tranh cãi giữa hai luồng ý kiến khác nhau.
Team đồng tình cả "hai tay hai chân" vì "tuổi thơ của con chỉ có một"
Một số đồng tình với người chồng này và khẳng định việc một người phụ nữ vừa phải đi làm, vừa phải chăm con rất mệt mỏi và áp lực. Người phụ nữ chỉ phải chịu một thứ áp lực là đủ lắm rồi. Ở công ty đã mệt mỏi, về nhà chỉ cần con quấy khóc một chút là mẹ sẽ dễ nổi cáu, quát mắng, thậm chí đánh con rồi gây mất hòa khí trong nhà.
Có mẹ đã từng ở trong hoàn cảnh như người chồng nêu ra, có con bị chậm nói nên phải mất 3 năm rong ruổi cùng con học nói. Điều đó khiến chị cảm thấy rất có lỗi vì bận rộn, không có thời gian dành cho con.
Nhiều ông bố bà mẹ cũng cho rằng, 2-3 năm đầu đời của con là rất quan trọng, rất cần sự đồng hành, quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ của bố mẹ nên 1 trong 2 người nên lùi lại để dành thời gian cho con mà người thích hợp hơn cả là mẹ. Tuổi thơ của con trôi qua rất nhanh, nếu có thể hy sinh cho con thì hãy hy sinh.
Ngoài ra, nhiều mẹ đọc câu chuyện mà "như cởi tấm lòng", ao ước chồng mình cũng hiểu cho nỗi khổ của vợ như thế. Họ muốn được ở nhà chăm con nhưng vẫn phải đi làm vì một mình chồng không thể gánh vác được kinh tế gia đình. Họ chỉ mong có thể gạt chuyện cơm, áo, gạo, tiền sang một bên mà toàn tâm toàn ý dành thời gian cho con.
Cũng có những người mẹ ở nhà chăm con cảm thấy rất hài lòng với sự lựa chọn đó. Họ cảm thấy hạnh phúc vì được ở bên, chứng kiến con lớn lên từng ngày và tự tay chăm lo cho con những gì tốt đẹp nhất.
"Hoàn toàn đồng ý với quan điểm này của anh. Dẫu cho có nhiều ý kiến trái chiều, dẫu mẹ có bị stress, dẫu kinh tế khó khăn, dẫu cho có thể mất cơ hội việc làm, dẫu cho gia đình lục đục... Nhưng tuổi thơ của con chỉ có một. Những năm tháng đầu đời vô cùng quan trọng, chỉ có 2-3 năm thôi. Tất cả hy sinh đều đáng" - tài khoản Facebook T.T bình luận.
Team phản đối kịch liệt vì phụ nữ cũng có công việc và niềm yêu thích riêng
Số còn lại kịch liệt phản đối suy nghĩ của người chồng trong câu chuyện và cho rằng anh quá ích kỷ, có cái nhìn phiến diện khi bắt vợ ở nhà chăm con thay vì đi làm.
"Tôi phản đối. Đồng ý rằng chồng có đủ điều kiện để gánh vác cả phần của vợ, nhưng cô ấy cũng có công việc và niềm yêu thích riêng. Đi làm, cô ấy sẽ dễ tìm lại được chính mình (ngoại hình, suy nghĩ...), lúc đó đương nhiên con cái sẽ dành được nhiều xúc cảm tốt nhất của mẹ. Nhiều ông chồng khi có con thường bỏ qua cái tôi của vợ, nên nghĩ nhiều về những điều vợ thích và cần thì ắt cả gia đình sẽ được trọn vẹn" - thành viên L.H nêu quan điểm.
Chị em đã từng ở trong hoàn cảnh ở nhà chăm con tù túng, ngột ngạt, bí bách mới có thể hiểu được cảm giác đáng sợ như thế nào. Họ khao khát được đi làm, đi làm đôi khi không chỉ vì vấn đề tiền bạc, mà đó còn là niềm vui, là cách để họ tự tin hơn khi gặp gỡ bạn bè. Là cơ hội để họ được giao tiếp xã hội, được làm công việc mình yêu thích và kiếm tiền dù ít, dù nhiều bằng chính năng lực của mình, không bị mang tiếng "ăn bám", phụ thuộc vào chồng.
Lúc ấy, người mẹ sẽ tự khắc tạo ra năng lượng tích cực để dành cho con, cho gia đình những điều tốt đẹp nhất. Thay vì cứ lầm lũi ở nhà, không có ai để trò chuyện, tâm sự sẽ dễ gây ảnh hưởng tâm lý, nghiêm trọng hơn là mắc chứng trầm cảm sau sinh. Một người mẹ phải chịu nhiều thiệt thòi như vậy, liệu có thể chăm sóc, dạy dỗ con cái một cách tốt nhất được không?
Có nhiều người phụ nữ nghỉ một vài năm rồi đi làm trở lại. Nhưng vì ở nhà quá lâu, họ đã không còn sự nhanh nhẹn, nhạy bén, không thể bắt nhịp và đáp ứng được yêu cầu công việc được nữa.
Đáp lại những tranh cãi của chị em. Người chồng trong câu chuyện nói trên cho rằng nhiều người đang đánh đồng cái tôi cá nhân.
"Nếu đổi lấy sự tù túng của người mẹ và sự phát triển tốt đứa con. Bạn chọn cái nào? 24 tháng có quá dài để các bạn chịu đựng vì con? Nếu con bình thường thì không sao. Nếu con mắc bệnh gì, lúc đó sự tù túng đó có khi dễ chịu hơn nhiều so với việc chứng kiến con mình khổ sở. Ân hận không giải quyết được gì" - anh nói.
Tạm kết
Nói qua nói lại, phụ nữ vẫn là người chịu nhiều thiệt thòi. Nếu như đàn ông chỉ cần đi làm kiếm tiền đã được coi là làm tốt vai trò của mình thì phụ nữ chọn đi làm hay ở nhà cũng có cái hay, cái dở.
"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Mỗi gia đình có một điều kiện khác nhau, có cách ứng xử vợ chồng khác nhau và có những đứa con khác nhau. Thế nên chẳng thể khẳng định quan điểm của ai là đúng, ai là sai trong câu chuyện này. Bởi không phải người chồng nào cũng có thể gánh vác toàn bộ kinh tế gia đình.
Hơn hết, những người làm cha làm mẹ cần phải bình tâm suy nghĩ xem, con mình đang ở trong tình trạng nào và thực sự cần gì. Người mẹ đi làm cũng được, ở nhà chăm con cũng không sao, miễn là mẹ cảm thấy vui vẻ, hài lòng với cuộc sống thì mới có thể dành cho con những điều tốt nhất.
Ngoài ra, những người làm chồng, làm cha cũng đừng ỷ rằng mình kiếm ra tiền là có thể ăn no ngủ kỹ, mọi việc gia đình, chăm sóc con cái để vợ lo hết.
Một đứa trẻ cần cả sự quan tâm, yêu thương, dạy bảo của cả bố và mẹ. Một tổ ấm cần sự san sẻ của cả vợ, cả chồng. Vì thế, cả hai phải cùng nhau bàn bạc và đưa ra phương án hợp lý nhất đồng thời cùng hỗ trợ nhau trong cuộc sống.