Mặc dù lăng mộ Thành Cát Tư Hãn có thể chứa đựng những kho báu vô giá từ khắp đế chế Mông Cổ, người dân nước này vẫn mong nơi yên nghỉ của vị vua vĩ đại mãi là một bí ẩn.
Mông Cổ là một vùng đất rộng lớn với những huyền thoại vĩ đại. Không đường xá, không nhà cửa cố định, chỉ có bầu trời lồng lộng, chùm cỏ khô và những cơn gió. Đây là đất nước của Thành Cát Tư Hãn, vị vua từng chinh phục thế giới trên lưng ngựa. Những giai thoại về ông đầy rẫy những tình tiết về các vụ bắt cóc, đổ máu, tình yêu và sự trả thù.
Thế nhưng, đó là lịch sử. Huyền thoại chỉ thật sự bắt đầu với cái chết của thủ lĩnh Mông Cổ lừng danh.
Thành Cát Tư Hãn là người từng thống trị vùng lãnh thổ rộng lớn từ Thái Bình Dương đến biển Caspi. Khi qua đời, ông yêu cầu được chôn cất trong bí mật. Vì vậy, một đội quân đưa tang đã đưa di hài của người thủ lĩnh về nhà, giết chết bất cứ ai tình cờ có mặt trên đường để che giấu tung tích của ngôi mộ. Đến khi vị vua Mông Cổ được đặt tại nơi an nghỉ cuối cùng, các binh lính của ông điều khiển đàn ngựa 1.000 con xóa bỏ bất kỳ dấu vết nào còn sót lại của khu mộ.
Trong vòng 800 năm kể từ khi thành cát tư hãn qua đời, không một ai lần được dấu tích nào về nơi ông yên nghỉ.
Ảnh: Samuel Bergstrom
Các cuộc thám hiểm do người nước ngoài dẫn đầu đã theo đuổi tung tích lăng mộ thông qua những ghi chép lịch sử, những cuộc khám phá khu vực và thậm chí từ ngoài không gian. Một dự án mang tên "Valley of the Khans" (tạm dịch: Thung lũng của các Khả Hãn) của mạng truyền hình National Geographic còn dùng hình ảnh vệ tinh để tìm kiếm vị trí của khu mộ. Tuy nhiên, phần lớn những nỗ lực này đều đến từ cộng đồng quốc tế. Ngược lại, người dân Mông Cổ không muốn nơi chôn cất của vị Khả Hãn bị phát hiện.
Dĩ nhiên, nguyên nhân chắc chắn không phải là do thành cát tư hãn không phải một nhân vật quan trọng ở quê nhà. hình ảnh của ông xuất hiện rất phổ biến trên các tờ tiền và những chai rượu vodka ở mông cổ. vì vậy, nhiều người ngoại quốc đều lấy làm lạ khi việc tìm kiếm mộ thành cát tư hãn lại được xem là một chủ đề cấm kỵ tại mông cổ.
Truyền thông nước ngoài vẫn thường thêu dệt rằng nguyên nhân của điều này là do nhiều người tin rằng có một lời nguyền gắn với lăng mộ Thành Cát Tư Hãn, rằng nếu nơi này bị phát hiện, thế giới sẽ lâm vào cảnh tận thế.
Lời nguyền tương tự cũng được gắn với huyền thoại về Thiếp Mộc Nhi, một vị vua người Đột Quyết - Mông Cổ vào thế kỷ 14. Lăng mộ của ông được các nhà khảo cổ Xô viết tìm thấy vào năm 1941. Ngay sau khi nơi an nghỉ của vị vua bị quấy rầy, Đức Quốc xã liền đem quân xâm chiếm Liên Xô, tiến hành Mặt trận phía Đông trong Thế chiến II. Theo những người mê tín dị đoan, đây chính là giá phải trả.
Ảnh: Samuel Bergstrom
Tuy nhiên, Uelun, một nữ cử nhân người Mông Cổ trẻ tuổi với tấm bằng tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế của trường ĐH Quốc gia Buryat (Nga), lại không tin vào điều này. Theo ý kiến của cô, thái độ của người Mông Cổ chính là sự tôn trọng dành cho Thành Cát Tư Hãn. Rõ ràng là ông không muốn bị tìm thấy. "Họ đã rất nỗ lực để che giấu lăng mộ. Tìm ra nó là hành động đi trái lại mong muốn của ông ấy" - Uelun nói.
Đây cũng là ý kiến chung của người dân Mông Cổ, một đất nước có truyền thống lâu đời và niềm tự hào sâu sắc. Ngoài việc có nhiều gia đình treo những tấm thảm hoặc chân dung của Thành Cát Tư Hãn, một số người còn tự nhận là "Những hậu duệ hoàng kim" sau khi lần theo nguồn gốc của tổ tiên. Điều này có nghĩa là người sáng lập ra đế chế Đại Hãn vẫn là một biểu tượng quyền lực ở khắp vùng đất Mông Cổ.
Cuộc tìm kiếm lăng mộ Thành Cát Tư Hãn
Ngoài những áp lực về văn hóa, cuộc tìm kiếm lăng mộ còn bị ngăn trở bởi một loạt những vấn đề kỹ thuật khác. Mông Cổ là một quốc gia rộng lớn và chưa phát triển - rộng gấp 7 lần Vương quốc Anh nhưng đường xá chỉ chiếm 2% diện tích. Mật độ dân số tại đây thấp đến nỗi chỉ thua đảo Greenland gần Bắc Cực và một số hòn đảo hẻo lánh khác. Vì vậy, phần lớn cảnh tượng ở đây đều toát lên sự hoang dã đầy chất sử thi.
Ảnh: Samuel Bergstrom
Tiến sĩ (TS) Diimaajav Erdenebaatar đã có một sự nghiệp vượt qua những thử thách như vậy khi theo đuổi bộ môn khảo cổ học. Là người đứng đầu khoa Khảo cổ tại Trường ĐH Quốc gia Ulaanbaatar ở thủ đô Mông Cổ, ông Erdenebaatar là một thành viên của đoàn thám hiểm chung đầu tiên trong việc tìm kiếm lăng mộ.
Dự án kết hợp của nhật bản - mông cổ mang tên "gurvan gol" (có nghĩa là ba dòng sông) tập trung khai thác nơi sinh của thành cát tư hãn tại tỉnh khentii, nơi có 3 con sông chảy qua tên onon, kherlen và tuul.
Dự án diễn ra vào năm 1990, cùng năm với cuộc Cách mạng Dân chủ Mông Cổ khi đất nước này phản đối ôn hòa chính quyền cũ để đòi hệ thống dân chủ mới. Không chỉ ảnh hưởng đến chính trị mà sự kiện này còn bác bỏ cuộc tìm kiếm lăng mộ Thành Cát Tư Hãn, khiến dự án Gurvan Gol bị ngừng lại.
Kể từ năm 2001, TS Erdenebaatar đã tiến hành khai quật một nghĩa trang 2.000 năm tuổi của các vị vua Hung Nô ở trung tâm tỉnh Arkhangai. Ông tin rằng người Hung Nô là tổ tiên của người Mông Cổ và đây cũng là quan niệm của Thành Cát Tư Hãn. Vì vậy, phong tục chôn cất của họ có thể giống nhau và lăng mộ của vua Hung Nô sẽ phần nào tương tự với lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn.
Các vị vua Hung Nô được chôn cất bên trong những gian buồng bằng gỗ ở độ sâu 20 m dưới lòng đất, phía trên được đánh dấu bằng những tảng đá hình vuông.
- Video khám phá Nhạn Môn Quan - cửa ải chỉ chim nhạn mới bay qua được. Nguồn: CCTV.
Theo Người lao động
Link bài gốc Lấy link
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/vi-sao-khong-the-tim-thay-lang-mo-thanh-cat-tu-han-2017071915282648.htm
Theo Người lao động