Từ Singapore đến UAE, những cấu trúc không gian tuyệt đẹp này đang thiết lập một tiêu chuẩn kiến trúc xanh mới. Dự kiến trong tương lai, xu hướng này sẽ dẫn đầu.
Trong vài năm qua, nạn hạn hán, cháy rừng, lũ lụt đang ảnh hưởng sâu sắc đến hành tinh của chúng ta. Nhằm giáo dục người dân về các vấn đề môi trường, Thượng nghị sĩ bangWisconsin của Mỹ, ông Gaylord Nelson đã thành lập Ngày Trái Đất như một cách nhắc nhở cộng đồng hãy luôn quan tâm và bảo vệ thiên nhiên.
Góp sức trong chiến dịch này, các nhà kiến trúc sư trên toàn thế giới đã tạo nên những kiệt tác vừa có khả năng chống lại biến đổi khí hậu, vừa sử dụng năng lượng thiên nhiên để đạt đến trạng thái Net-zero hay còn gọi là Trung hòa Carbon.
Một trong những tòa nhà mới nhất của Đại học Quốc gia Singapore với không gian làm việc mở.
Trung hòa Carbon có nghĩa là việc không thải Carbon ra ngoài môi trường. Để làm được điều này, các công ty phải đo lường, giảm lượng khí thải đến mức tối đa trong khả năng có thể. Sau đó bù đắp lượng khí thải này lại bằng một lượng khí thải có thể tránh được hoặc tương đương.
Những tòa nhà với tôn chỉ Net-zero (Trung hòa Carbon) được thiết kế đang thiết lập nên một tiêu chuẩn “vàng” mới trong tiêu chuẩn kiến trúc xanh. Từ San Diego đến Copenhagen, những tòa nhà này đang trở thành hiện tượng, truyền cảm hứng lớn cho Ngày Trái Đất.
CopenHill (Copenhagen, Đan Mạch)
CopenHill là nhà máy điện biến chất thải thành năng lượng sạch nhất trên thế giới.
CopenHill thực chất là một nhà máy điện được thiết kế bởi những kiến trúc sư nổi tiếng thế giới như Bjarke Ingels Group, SLA, AKT, Lüchinger + Meyer, MOE và Rambøll. Trái với các tòa nhà công nghiệp khô cứng thường thấy, nhà máy điện CopenHill có cả dốc trượt tuyết, đường mòn dài phục vụ cho những người thích đi bộ và tường leo núi. Mục tiêu của nhóm kiến trúc sư này là chuyển đổi một nhà máy điện rộng tới 12497m2 thành một cơ sở chuyển hóa chất thải thành năng lượng kết hợp với trung tâm giải trí đô thị.
CopenHill trở thành khu trượt tuyết rất thu hút du khách tại Đan Mạch.
Khai trương vào năm 2019 tại Amager, Copenhagen, hiện tại CopenHill là một trong những nhà máy đốt chất thải tốt nhất thế giới, không thải carbon dioxide thông qua khói và hoạt động với hiệu suất 110%. Nó cũng cung cấp điện carbon cho gần 600.000 người và hệ thống sưởi cho khu vực xung quanh.
Khách sạn Marcel (New Haven, Connecticut, Mỹ)
Khách sạn Marcel là tòa nhà theo chủ nghĩa kiến trúc tàn bạo. Lối kiến trúc này đặc trưng bởi các công trình xây dựng tối giản, thể hiện những vật liệu xây dựng trần, thường sử dụng bê tông hoặc gạch không sơn với các khối hình học góc cạnh.
Khách sạn nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo.
Khách sạn Marcel sau khi trải qua nhiều lần thăng trầm, vào năm 2020 một kiến trúc sư có tên Bruce Redman Becker đã mua lại tòa nhà này và dành 2 năm tiếp theo để biến nó thành Khách sạn Marcel hoàn chỉnh với 165 phòng, nhà hàng, quán bar với đầy đủ tiện nghi, sảnh thư viện và không gian hội họp rộng khổng lồ.
Nội thất bên trong của tòa nhà gây tò mò cho nhiều du khách.
Khách sạn Marcel cũng là tòa nhà nhận được chứng nhận Passive house - nhà thụ động với tiêu chuẩn LEED Platinum - tiêu chuẩn Xanh toàn diện nhất của Mỹ. Nhà thụ động không yêu cầu hoặc yêu cầu rất ítviệc phải sử dụng năng lượng cho các hoạt động làm mát và sưởi ấm. Nói cách khách, thiết kế thụ động biết sử dụng ưu thế của dòng năng lượng và vật liệu để duy trì sự hài hòa về nhiệt độ cho người sử dụng.
Khách sạn Marcelđược chứng nhận của Mỹ về tiêu chuẩn Xanh.
La Jolla Commons (San Diego, California)
Được thiết kế bởi hiệu trưởng AECOM, Paul Danna, tòa tháp 13 tầng rộng tới 28081 m2 này là nơi đặt trụ sở công ty LPL Financial. Từ năm 2008, tòa nhà nằm ẩn mình trong thị trấn trấn thông minh bên bờ biển và tự hào là kiến trúc duy nhất có lượng chất thải ròng bằng 0 của La Jolla.
Tòa nhà nằm giữa không gian xanh.
Mặt ngoài của tòa nhà được thiết kế chủ yếu là một lớp kính với hai lớp phủ tiết kiệm năng lượng. La Jolla Commons thông qua thiết kế hiệu suất cao có khả năng đạt được độ trung tính carbon hàng năm và pin nhiên liệu tại chỗ tạo ra nhiều điện hơn hẳn so với mức sử dụng thực tế của tòa nhà và người thuê.
Hơn nữa công trình này tự hào khi có hệ thống phân phối không khí dưới sàn và mạng lưới nước tái chế rộng lớn được sử dụng để làm mát, tưới tiêu và cung cấp cho hệ thống ống nước của tháp.
Lớp kính phủ năng lượng mặt trời chính là điểm đặc biệt của tòa nhà.
Trụ sở chính của Tập đoàn BEEAH (Sharjah, UAE)
Tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư quá cố Zaha Hadid, trụ sở chính của tập đoàn BEEAH rộng 2787m2 mới ra mắt gần đây tại Sharjah, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Đây cũng là tòa nhà trung hòa Carbon đầu tiên do công ty Zaha Hadid Architects (ZHA) thiết kế.
Lối kiến trúc lượn sóng gây ấn tượng mạnh.
Tòa nhà này có cùng "ngôn ngữ thiết kế" với nhiều tòa nhà độc đáo khác trên thế giới. Quy trình Trung hòa Carbon được hoạt động theo nhiều giai đoạn, bắt nguồn từ hệ thống quang điện, tạo ra đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu năng lượng cao điểm vào mùa hè của tòa nhà. Xét tới khí hậu với nhiệt độ cao khủng khiếp tại UAE thì đây quả là thiết kế vô cùng ấn tượng.
Kiến trúc của tòa nhà được truyền cảm hứng rất nhiều từ không gian sa mạc xung quanh. Mái nhà được thiết kế cong nhẹ và lộng gió nhằm mô phỏng hình dáng của những đụn cát gần đó.
Tổng thể không gian của tòa nhà.
Đại học Quốc gia Singapore
Trường Thiết kế & Môi trường 4 (SDE4) - một trong những tòa nhà mới nhất của Đại học Quốc gia Singapore đang mở đầu cho xu thế mới và trở thành không gian không sử dụng năng lượng thuần đầu tiên tại Singapore.
Trường Thiết kế & Môi trường 4 (SDE4) là đứa con tinh thần của kiến trúc sư Serie Architects và Multiply Architects với mục đích trở thành “nguyên mẫu của thiết kế bền vững”, thể hiện mong muốn của Singapore trong việc thúc đẩy giáo dục và tính bền vững ở Đông Nam Á.
Tòa nhà đặt trên một khu đất rộng 8500m2, cao 5 tầng và 1 tầng hầm.
SDE4 có không gian rộng tới 2787 m2, trải rộng tới 6 tầng, nơi đây đang trở thành biểu tượng tiên phong của đất nước với mục đích tiến tới tương lai bền vững hơn. Đây cũng là tòa nhà sở hữu kiểu dáng tinh tế, với quảng trường rộng lớn, không gian công cộng ngoài trời, khu hội thảo, trung tâm nghiên cứu, quán cà phê, thư viện,... Tất cả đều nằm trong một khuôn viên rất nhiều cây xanh.
Trụ sở chính của Atlassian (Sydney, Úc)
Công ty phần mềm Úc Atlassian đã thuê công ty SHoP Architects có trụ sở tại New York và công ty địa phương BVN để thiết kế trụ sở mới ở Sydney. Công trình cao 183m với 40 tầng dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2025.
Tòa nhà cao chọc trời gây ấn tượng mạnh bởi lối thiết kế độc đáo.
Tòa nhà hoạt động bằng 100% năng lượng tái tạo với mức thải ròng bằng 0, đồng thời sẽ đạt danh hiệu “tòa nhà hỗn hợp cao nhất thế giới làm bằng gỗ”. Đây có thể là một tòa nhà dị biệt độc nhất, nhưng gây ấn tượng mạnh, đáp ứng đủ mục đích mà Atlassian đang hướng tới.
- Video: Loại quả quái vật, ăn không cẩn thận có thể chết người nhưng vẫn được dân tình săn lùng.TikTok/Caydecor79.
Theo Hồng Hạnh/Công lý & Xã hội
Link bài gốc Lấy link
https://xahoi.congly.vn/6-toa-nha-dep-nhat-the-gioi-bien-hinh-voi-kien-truc-xanh-doc-la-246121.html
Theo Hồng Hạnh/Công lý & Xã hội