Cũng như bao người, Hoàng Ku đang phải đối mặt với áp lực lập gia đình khi đã ngoài 30 tuổi.
Kết hôn, lập gia đình là chuyện mà bất kì người trưởng thành nào rồi cũng phải nghĩ đến. Và sau khi bạn vượt qua cột mốc tuổi 30 thì điều này càng trở thành một thứ phải nhanh lên, gấp gáp đi dưới áp lực và sức ép của gia đình và cả xã hội.
Stylist Hoàng Ku (sinh năm 1988) cũng đã trải qua cảm giác bị hối thúc chuyện hôn nhân, cũng từng có ý định tặc lưỡi gật đầu vì cô đơn quá. Tuy nhiên, anh chàng đã nhận ra hôn nhân thật ra cần nhiều hơn là một tình yêu. Theo Hoàng Ku, điều kiện để đi đến hôn nhân chính là "cùng trình độ, cùng cách đối nhân xử thế, cùng nền tảng giáo dục và cùng một cán cân kinh tế".
![Hoàng Ku nói về tiêu chí kết hôn tuổi ngoài 30: Tìm người cùng trình độ, cùng nền tảng giáo dục và cùng cán cân kinh tế - Ảnh 1. Hoàng Ku nói về tiêu chí kết hôn tuổi ngoài 30: Tìm người cùng trình độ, cùng nền tảng giáo dục và cùng cán cân kinh tế - Ảnh 1.]()
Stylist Hoàng KuNgoài ra, anh chàng khuyên bạn đừng kết hôn chỉ vì một phút yếu lòng hay chỉ muốn người kia san sẻ trách nhiệm trong việc nuôi nấng và chăm sóc con cái. "Có thể khởi đầu giúp bạn an ủi trong tiếng hò reo của người xung quanh, nhưng cay đắng của một cuộc hôn nhân bất hạnh huỷ hoại bạn nhiều lần hơn thế."
Cuối cùng, Hoàng Ku chốt lại: "Nếu ở cạnh nhau không thấy vui hơn, thấy đẹp hơn, thấy khoẻ khoắn hơn, thấy được yêu hơn, thấy ý nghĩa hơn, thấy tự do hơn, thấy giàu có hơn… thì chắc hôn nhân ấy, đã sai mất rồi".
Hiện tại, chia sẻ của Hoàng Ku đang nhận được khá nhiều sự đồng cảm của dân mạng. Nhiều người chia sẻ họ đang loay hoay ở tuổi 30 và cũng ít nhiều chấp chới trước những lựa chọn và cả sức ép, áp lực từ xã hội.
![Hoàng Ku nói về tiêu chí kết hôn tuổi ngoài 30: Tìm người cùng trình độ, cùng nền tảng giáo dục và cùng cán cân kinh tế - Ảnh 2. Hoàng Ku nói về tiêu chí kết hôn tuổi ngoài 30: Tìm người cùng trình độ, cùng nền tảng giáo dục và cùng cán cân kinh tế - Ảnh 2.]()
Dưới đây là nguyên văn bài chia sẻ của Hoàng Ku:
"Ngoài 30 tuổi, cụm từ LẬP GIA ĐÌNH cứ thúc vào người vậy.
Cũng cố gắng chứ không phải không cố gắng. Có thành ý chứ không phải không có thành ý, nhưng... có 1 chữ NHƯNG to đùng là đủ hiểu, có thúc cũng không được.
Đừng nói lập gia đình ngoài 30 tuổi là muộn.
Khi chưa sẵn sàng, chưa từng trải, chưa chung sống, chưa thấu hiểu thì đó lại là một thử thách vô cùng to lớn. Như kiểu chưa học bài mà đi thi vậy đó. Ví dụ như thế đi vì tôi thì chỉ có trải nghiệm của việc chưa học bài rồi đi thi thôi, chứ lập gia đình là gì với tôi vẫn còn mù mờ lắm.
Tôi cứ tưởng nên lấy nhau chỉ vì… yêu nhau. Nhưng sống thử mới biết, yêu nhau say đắm, yêu hết mình, yêu trút hết tim gan phèo phổi thôi cũng không đủ. Thứ chúng ta cần lại là một hôn nhân hạnh phúc cơ. Chỉ nên lấy nhau, vì thấy thực sự cần nhau, cả khi vui lẫn khi buồn, cảm thấy được thấu hiểu.
Trong lần đổ vỡ gần nhất, tôi rút ra được tiêu chí quan trọng nhất để đi đến sự gắn kết trong hôn nhân lại là cùng trình độ, cùng cách đối nhân xử thế, cùng nền tảng giáo dục và cùng một cán cân kinh tế.
Rồi mới tới cảm thấy có thể chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, chuyện trò thâu đêm suốt sáng không chán, có người nói có người nghe. Và nhất định phải cảm thấy duy nhất người này là đồng minh đồng loã là ruột thịt tim gan, không chỉ là đối tượng si mê quyến rũ.
Ai mà chẳng yêu vẻ bề ngoài, sự giàu có, ai mà chẳng thích trẻ mơn mởn, tôi cũng thế, nhưng nhìn lại, tôi sẽ chỉ hãnh diện vì người đồng chí sát cánh bên tôi là 1 người thông minh, người biết đối nhân xử thế, biết yêu thương và biết khiêm nhường.
Hãy khắc cốt ghi tâm, dù có mờ mịt bởi yêu đương, cũng phải nhìn kỹ mà tránh xa, người ghen tuông, người sở hữu, người keo kiệt, người hiếu thắng, hung dữ, nóng nảy, thô lỗ, xúc phạm. Tuyệt đối không lại gần bọn lắm lời cay đắng, hay than thân trách phận, hay đổ lỗi cho người khác.
Có thời điểm tôi có ý định tặc lưỡi vì quá… cô đơn, gật đầu chỉ vì sức ép của mọi người. Nhưng tôi biết là mình sai. Chỉ là trong tôi đang có 1 phiên bản yếu đuối cần được tiêu diệt. Đừng sợ ế, đừng sợ một mình. Có thể khởi đầu giúp bạn an ủi trong tiếng hò reo của người xung quanh, nhưng cay đắng của một cuộc hôn nhân bất hạnh huỷ hoại bạn nhiều lần hơn thế. Chẳng ở đâu xa, tất cả các mối quan hệ hôn nhân xung quanh tôi mà tôi muốn nhắm mắt không thấy cũng xảy ra, từ cuộc hôn nhân của bố mẹ, của chị gái, của cô bạn thân, của người bạn đồng nghiệp, của cô hàng xóm, hay của cậu bạn cùng lớp cấp 3. Không phải vì thế mà tôi mất niềm tin vào hôn nhân, nhưng vì thế mà tôi vô cùng sợ 2 chữ đổ vỡ, và sợ sự tổn thương mà 2 người yêu thương nhau hết mực lại dành cho nhau giây phút cuối.
Cũng đừng nên lấy nhau vì muốn có con, và chung sống với nhau, chỉ vì con. Đừng tưởng một mình không nuôi dạy được con thành người. Đừng lấy cớ thương con mà đày đọa mình, đày đọa người suốt kiếp. Tôi từng nghĩ cần 1 người chia sẻ trách nhiệm gia đình. Nhưng tôi đã sai ngay từ ban đầu. Vì nếu tôi nghĩ đó là trách nhiệm của mình, thì hơn hết, mình đừng thấy đó là gánh nặng C*n san sẻ. Nếu tôi chuyển hoá nó thành niềm vui trong cuộc sống, thì người ở cạnh tôi, sẽ là người san sẻ hạnh phúc, chứ không phải là trách nhiệm. Và tôi đang trên công cuộc chuyển hoá năng lượng tích cực đó bằng vấn đề tài chính.
Đừng đọc và tin những bài viết nông cạn, đạo đức giả khuyên ta lập gia đình, khuyên ta giữ chồng không bị cướp, khuyên ta không nên sống cô độc. Chả có lời khuyên nào về hôn nhân hạnh phúc, bí kíp thành công, chả ai có thể đoán trước mình sẽ may mắn hay bất hạnh, chúng ta đều phải tự học lấy bài học của bản thân. Điều quan trọng nhất, bản thân ta phải xứng đáng với một mối nhân duyên hạnh phúc. Một người xứng tầm.
Nếu ở cạnh nhau không thấy vui hơn, thấy đẹp hơn, thấy khoẻ khoắn hơn, thấy được yêu hơn, thấy ý nghĩa hơn, thấy tự do hơn, thấy giàu có hơn… thì chắc hôn nhân ấy, đã sai mất rồi.
Trải qua một chuyện tình sẵn sàng kết hôn rồi lại đổ vỡ, tôi không biết đấy là may hay rủi. Nhưng bây giờ, khi nhìn lại, thì thấy thấu đáo, thấy thông suốt, thấy thoáng đãng, thấy an yên.
Rồi tự nhủ, khi nào trong lòng sóng yên phẳng lặng, thì mới mở cửa trái tim. Tuyệt đối, không đón khách vào thăm quan, giờ nơi đây không phải công viên giải trí. Nâng cấp lên thành viện bảo tàng, khách thăm quan đúng gout thì sẽ hào hứng tìm đến, không thì đóng cửa niêm phong."
Theo Pháp luật & Bạn đọc
Copy link