Nhà báo 96 tuổi vẫn miệt mài làm việc
Đó là nhà báo Tống Hồ Cầm: sinh 23/2/1918; Bút danh: Tống Anh Nghị. Ông đã có hơn 70 năm viết văn, làm thơ, báo.
Trong đó, ông có 37 năm (1/1/1976 -1/1/2013) liên tục ở cương vị Phó tổng biên tập phụ trách trị sự báo Giác Ngộ - cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo TP.HCM. Năm 2009, ông được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đưa vào Guinness: “Nhà báo cao tuổi nhất trong làng báo chí Việt Nam (báo Giác ngộ số 578 ngày 26/2/2011)”.
Ông Tống Hồ Cầm sinh tại Huế, trong một gia đình có truyền thống Phật giáo. Cư sĩ (người theo đạo Phật nhưng vẫn giữ đời sống thế gian, sinh sống tại gia đình) Tống Hồ Cầm đến với báo chí rất tự nhiên: ngay từ năm 1940, ở tuổi mới ngoài 20 ông đã khởi viết những tin - bài, làm thơ… về dân tình thế thái được đăng trên các báo như: Viên Âm, Phật Giáo Văn Tập, Giác Ngộ, Phương Tiện, Phật Giáo Việt Nam… Rồi ông không chỉ viết, cộng tác mà trực tiếp tham gia làm báo: ví như với tờ Từ Quang - tiếng nói của Hội Phật học Nam Việt. Cư sĩ Tống Hồ Cầm đã được giao trách nhiệm thư ký tòa soạn và làm việc liên tục trên 20 năm cho tới khi tờ báo đình bản sau ngày 30/4/1975. Tờ Từ Quang đình bản, nhưng cư sĩ Tống Hồ Cầm đã cùng các nhân sĩ Phật giáo tên tuổi khác…được Thành hội Phật giáo TP.HCM giao việc thành lập Báo Giác Ngộ. Báo Giác Ngộ đã ra số đầu tiên vào ngày 1/1/1976 và ông đảm trách Tổng trị sự, sau đó Phó tổng biên tập phụ trách trị sự cho đến khi về hưu!
Cư sĩ Tống Hồ Cầm còn là một trong những thành viên đầu tiên tham gia sáng lập tổ chức Gia Đình Phật tử Việt Nam và ông là Huynh trưởng cấp Dũng; trở thành cánh chim đầu đàn; một trong những người anh cả của tổ chức Thanh - Thiếu - Đồng niên Phật tử Nam Việt thuở ấy. Với vị thế của mình, cư sĩ - nhà báo Tống Hồ Cầm đã viết nhiều bài báo, đã tham gia ở nhiều cấp độ các phong trào đấu tranh đòi hòa bình, dân chủ, bình đẳng tôn giáo… và đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp, bắt giam trong chiến dịch “Nước lũ” năm 1963.
Ngoài chức trách tại báo Giác Ngộ, gần 40 năm nhiều khóa liền ông là Ủy viên UBTƯMTTQ Việt Nam và Ủy viên UBMTTQ. TP.HCM; Ủy viên thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó viện trưởng Học viện Phật Giáo TP.HCM… Ông được Thành ủy TP.HCM xếp vào hàng Nhân sĩ yêu nước đãi ngộ. Ông được nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, Giáo hội Phật giáo Trung ương và TP.HCM… Trong số đó, có 2 huân chương Độc lập: hạng nhì và hạng ba; Huy chương vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam; Huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc…
Cho đến những năm gần đây, dù tuổi đời đã trên 90 nhưng ông vẫn khá minh mẫn, làm việc hiệu quả tốt; luôn chuẩn mực trong ứng xử: đề cao đức khiêm nhường, sự thận trọng, luôn học hỏi.
Mỗi khi ai đó đề cập tới yếu tố giúp sức khỏe tốt, tuổi thọ cao, sức làm việc dẻo dai của mình, ông thường sẵn lòng trao đổi:
Các yếu tố giúp cho ông khỏe là được thực hiện ăn uống hợp lý, món ăn đơn giản, ít chiên xào, ít béo ngọt…mà thường là rau đậu củ quả luộc kỹ, ít thịt cá… miễn sao đủ chất, hợp vệ sinh. Bên cạnh dinh dưỡng hợp lý là sự tự giác tập thể dục khá đều đặn, kiên trì ngay thời còn trẻ. Hồi ấy môn tập mà ông mê nhất là chạy bộ đường dài 5 - 7 cây số mỗi sáng và thực hiện được nhiều năm nhất là khi sống, học tập, làm việc ở Đà Lạt. Ông thường chạy lúc sáng sớm, hôm mưa gió tập chạy tại chỗ ở nhà. Và một môn tập khác ông cũng rất tâm đắc đó là tập tay - vai.
Ông thường làm mẫu ngay cho người đối diện xem:
Đứng thẳng, chân rộng bằng vai: đưa nhanh hai tay ra phía trước rồi nắm mạnh các ngón tay vào bàn tay đồng thời gập mạnh 2 cẳng tay vào cánh tay và giật mạnh 2 cánh tay ra phía sau lưng cho hết cỡ; rồi lại mở bàn tay… đánh nhanh 2 tay ra phía trước như động tác làm lần đầu. Cứ làm như vậy liên tục khoảng 15 - 20 phút buổi sáng mỗi ngày. Khi nghỉ tập thở sâu, đều khoảng 5 phút, lâu hơn càng tốt.
Bên cạnh đó, trong cuộc sống ông luôn suy nghĩ tích cực, luôn quý trọng, giữ gìn mối quan hệ đúng đắn, nghiêm túc, thủy chung, cầu thị, chia sẻ, tha thứ... Ông coi đó là những lẽ sống thường nhật của mình. Ông nói: “Sự luôn học hỏi, đầu óc luôn suy nghĩ tốt, luôn làm những điều đúng đắn như những lời Phật dạy đã giúp cụ luôn giữ được tâm lý cân bằng, giúp cụ được sống vui, sống khỏe… có sức làm việc dẻo dai, hiệu suất tốt!”.
Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nha-bao-96-tuoi-van-miet-mai-lam-viec-14867.html)