Các nhà khoa học ước tính Vasuki indicus dài tới 15 m, nặng 1 tấn và tấn công con mồi bằng cách siết chặt như trăn Anacondas.
|
Một số đốt sống của vasuki indicus được phát hiện ở gujarat, đốt sống lớn nhất rộng khoảng 11 cm. ảnh: nature. |
|
Đốt sống hóa thạch được khai quật tại một khu mỏ than nâu ở phía tây Ấn Độ được xác định là của một trong những loài rắn lớn nhất từng tồn tại, một con quái vật ước tính có chiều dài lên tới 15 m - dài hơn cả khủng long T-rex, theo Newsweek.
Lớn tương đương Titanoboa
Các nhà khoa học đã khôi phục được 27 đốt sống của một con rắn, trong đó một số đốt sống vẫn nằm nguyên vị trí khi loài bò sát này còn sống. Chuyên gia cho biết con rắn được đặt tên là Vasuki indicus, trông giống một con trăn lớn và không có nọc độc.
Mỏ than nâu - nơi tìm thấy hóa thạch rắn khổng lồ này nằm ở Panandhro, bang Gujarat, phía tây Ấn Đô.
“Xét về kích thước, Vasuki là một loài săn mồi phục kích di chuyển chậm, sẽ khuất phục con mồi bằng cách siết chặt như trăn Anacondas. Con rắn này sống trong một đầm lầy gần bờ biển vào thời điểm nhiệt độ toàn cầu cao hơn ngày nay”, ông Debajit Datta - nhà nghiên cứu về cổ sinh vật học tại Viện Công nghệ Ấn Độ Roorkee, tác giả chính của nghiên cứu - cho hay.
Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Scientific Reports hôm 18/4.
Do hóa thạch Vasuki không hoàn chỉnh, các nhà nghiên cứu dự đoán con rắn này có chiều dài khoảng 11-15 m và nặng một tấn.
Vasuki được đặt theo tên của vua rắn gắn liền với vị thần hindu shiva, có kích thước tương đương rắn titanoboa khổng lồ thời tiền sử. hóa thạch của titanoboa được phát hiện tại mỏ than ở miền bắc colombia vào năm 2009. giới chuyên gia ước tính titanoboa dài 13 m và nặng hơn 1 tấn, sống cách đây khoảng 58-60 triệu năm trước. loài rắn lớn nhất còn sống hiện nay là trăn lưới châu á dài 10 m.
|
Hình minh họa titanoboa, một trong những loài rắn lớn nhất từng sống trên trái đất. loài rắn mới được phát hiện có thể sánh ngang với loài titanoboa về kích thước. ảnh: istock. |
“Chiều dài cơ thể ước tính của Vasuki tương đương với Titanoboa, mặc dù đốt sống của Titanoboa lớn hơn một chút so với Vasuki. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa thể chắc chắn Vasuki lớn hay nhỏ hơn Titanoboa”, giáo sư Sunil Bajpai, nhà cổ sinh vật học và đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Những con rắn khổng lồ được giáo sư Bajpai đề cập ở trên đều sống trong thời đại Kainozoi, bắt đầu sau khi thời khủng long chấm dứt cách đây 66 triệu năm.
Có thể ăn thịt cá sấu
Đốt sống lớn nhất của Vasuki rộng khoảng 11 cm. Vasuki dường như có một cơ thể trụ dài với bề rộng khoảng 44 cm. Hộp sọ của con vật này không được tìm thấy.
“Vasuki có thể là một con rắn khổng lồ hiền lành, thường cuộn tròn cơ thể hoặc di chuyển chậm chạp qua đầm lầy như một chuyến tàu bất tận”, giáo sư Datta nói.
Các nhà nghiên cứu chưa khẳng định được thức ăn của Vasuki là gì, nhưng xét đến kích thước khổng lồ của con vật, con mồi của nó có thể bao gồm cả cá sấu. Các hóa thạch khác cũng được tìm thấy trong khu vực bao gồm cá sấu, rùa, cũng như cá và hai loài cá voi nguyên thủy là Kutchicetus và Andrewsiphius.
Vasuki là một thành viên trong họ rắn adtsoiidae xuất hiện khoảng 90 triệu năm trước nhưng đã tuyệt chủng khoảng 12.000 năm trước. Giáo sư Bajpai cho biết những con rắn này đã di cư từ Ấn Độ qua miền Nam lục địa Á - Âu và xâm nhập vào Bắc Phi sau khi tiểu lục địa Ấn Độ va chạm với lục địa Á - Âu khoảng 50 triệu năm trước.
Giáo sư Datta nói thêm rằng đây là họ rắn phổ biến trong giai đoạn cuối của thời khủng long và vào đầu đại Tân sinh trước khi dần tuyệt chủng.
“Rắn là sinh vật thường khiến con người sợ hãi vì kích thước lớn, sự nhanh nhẹn và nguy hiểm của chúng. Mọi người sợ rắn vì một số loài có nọc độc và có vết cắn chết người. Nhưng có lẽ rắn thường tấn công con người để tự vệ do sợ hãi hơn là cố ý tấn công. Tôi tin rằng giống như hầu hết loài động vật, rắn cũng là sinh vật hòa bình và là một thành phần quan trọng trong hệ sinh thái của chúng ta”, ông Datta nhận định.
Theo ZNews
Link bài gốc Lấy link
https://lifestyle.znews.vn/phat-hien-quai-vat-ran-lon-nhat-tung-song-tren-trai-dat-post1470860.html
Theo ZNews