Khăn giấy có nhiều loại, đa dạng về mẫu mã. Mỗi loại giấy lại có đặc điểm và công dụng khác nhau. Nếu chọn không đúng có khi lại hại cho sức khỏe.
Khi nhắc đến những vật dụng thiết yếu hàng ngày trong gia đình, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến khăn giấy. Đây là vật dụng rất quen thuộc, đồng hành cùng chị em nội trợ ở mọi lúc, mọi nơi trong nhà, từ phòng khách, nhà bếp cho đến nhà vệ sinh.
Giấy vệ sinh (Toilet paper)
Không nên dùng giấy vệ sinhđể lau mặt và lau mắt.
Giấy vệ sinh thường ở dạng cuộn như chúng ta có thể thấy trong phòng tắm. Loại giấy vệ sinh này được làm từ bột giấy nguyên sinh thu được từ cây cối và bột giấy tuần hoàn từ giấy tái chế, có sẵn ở dạng trắng sạch, có màu hoặc có hoa văn, với nhiều kích cỡ khác nhau.
Vì vậy, không nên dùng giấy này để lau mặt và lau mắt. Không nên bọc thức ăn hay dùng để lót thực phẩm như thấm dầu vì trong quá trình sản xuất người ta sử dụng các chất như natri hydroxit (xút) và dioxin... đây là chất gây ung thư và vẫn còn trong giấy.
Giấy lụa (Tissue paper)
Loại giấy này dùng để lau rửa mặt hoặc tẩy trang giúp lau các mỹ phẩm dính trên da. Đây là giấy có kết cấu mềm mại, chống kích ứng. Lưu ý, loại giấy này khi dùng xong không được xả xuống bồn cầu, sẽ làm cho đường ống dễ bị tắc nghẽn. Giấy này thường được đóng gói trong hộp bìa cứng hình chữ nhật để có thể dễ dàng lấy và sử dụng.
Giấy ăn để bàn (Table paper napkins)
Đây là loại giấy được sử dụng thay khăn ăn. Đặc tính của giấy là mềm, tương tự như khăn giấy lụa lau mặt. Lưu ý không được vứt vào bồn cầu vì dễ làm tắc ống dẫn nước.
Giấy lau nước (Paper Hand Towel)
Còn đối với khăn giấy này chúng ta có thể thấy ở các bồn rửa tay nhà vệ sinh công cộng, bệnh viện, khách sạn. Đây là loại giấy đặt trong hộp được ốp trên tường, chất liệu dai, không phai màu mà không mủn khi tiếp xúc với nước. Công dụng thấm hút nước tốt, được sản xuất để sử dụng trên da nhưng không nên mang tiếp xúc với thức ăn hoặc dùng để thấm hút dầu ăn.
Khăn giấy (Paper Towel)
Loại giấy này có chất liệu dai, mềm mại không bị mủn, độ thấm hút cao, dùng để lau các bề mặt có nước một cách hiệu quả. Có thể dùng lau tay, bếp, chén dĩa... Đây là một loại giấy chủ yếu được sử dụng trong công việc nhà bếp thay cho khăn lau. Ngoài ra, có thể dùng làm khăn trải bàn bếp để thấm bớt dầu khi chiên hay lau nước trên bàn, hoặc trên sàn.
- Video: Làm thế nào để biết bạn đang ăn thừa muối? Nguồn: Báo Phụ nữ.
Theo Công lý & Xã hội
Link bài gốc Lấy link
https://xahoi.congly.vn/co-5-loai-khan-giay-voi-dac-diem-va-cong-dung-khac-nhau-nhung-nhieu-nguoi-khong-biet-dung-sai-gay-hai-cho-suc-khoe-291375.html
Theo Công lý & Xã hội