Phong trào xây dựng nông thôn mới đang rầm rộ khắp nước với 19 tiêu chí được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng.
Phong trào
xây dựng nông thôn mới đang rầm rộ khắp nước với 19 tiêu chí được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Nào là xây dựng hạ tầng cơ sở ở nông thôn, nào là đánh giá đúng về chất lượng của đất đai để tính việc chăm bón cho có năng suất cao, nào là chọn giống mới để tăng thu nhập cho dân... Người nông dân tham gia xây dựng nông thôn đổi mới với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Vậy mà không hiểu sao việc xây dựng nông thôn đổi mới ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế chỉ cán bộ xã làm mà dân hầu như không biết gì.
Tôi nhận được lá thư của ông Lê Văn Bang thuộc thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn kể cho tôi nghe rất rõ ràng. Tôi xin trích ra đây nguyên văn một đoạn của lá thư ấy:
“Quy hoạch nông thôn mới: không họp dân, xã tự quy hoạch thành lập bản đồ đất đai mới của dân Hiền Sĩ, đưa lên huyện duyệt, đem về treo ở văn phòng hợp tác xã Nam Sơn, dân phát hiện ra: Trong bản đồ mới đất của dân Hiền Sĩ đã giao cho dân theo NĐ64/CP của Chính phủ, thì nay đã mất đi một số diện tích các vùng như sau:
- Đất xứ Bàu Đô mất 10 héc-ta
- Đất xứ Bù Con quan hệ với xứ Gia Mạng, xứ Đùng Ngươi, xứ Đùng Đời mất 28 héc-ta
- Đất xứ Tân Quang mất 65 héc-ta
Cộng đất của 6 xứ đồng này, Hiền Sĩ đã mất tổng cộng là 103 héc-ta.
Ngoài ra, số đất màu của dân Hiền Sĩ đã chuyển sang đất thổ cư cũng không ít. Cụ thể là:
- Đất xứ Bàu Đỏ 3 héc-ta
- Đất xứ Đồng Nương côi 3 héc-ta
- Đất xứ Mùi Khung kéo ra xứ Đường Nương và xứ Bàu Con Sinh 3 héc-ta
- Đất xứ Bù Con 1,8 héc ta
Tổng cộng chuyển đổi đất thổ canh sang thổ cư là 12,8 héc-ta, trong đó có 2 héc-ta đất 5 phần trăm công ích.
Theo chúng tôi được biết thì theo Luật Đất đai mới chuyển đổi đất thổ canh sang thổ cư phải được cấp huyện chuyển đổi và phải được UBND tỉnh nhất trí. Vậy tại sao ở Phong Sơn, cán bộ xã lại được quyền sửa đổi mục đích sử dụng đất, chúng tôi hỏi chủ tịch xã vì sao lại như vậy, chủ tịch xã trả lời do phó chủ tịch xã quy hoạch đưa qua thì chủ tịch ký chứ chủ tịch không biết. Vậy thì ra đến chủ tịch xã mà cũng không nắm được Luật Đất đai sao? Như thế thì chủ tịch lãnh đạo chính quyền thế nào?
Chưa hết, loại đất 5% do Hiền Sĩ cắt cho xã để xây nghĩa trang, làm bệnh xá, làm nhà mẫu giáo, chợ,...trong lúc các công trình chưa xây dựng thì xã cho thuê hàng năm, số tiền thu được nhập vào kho bạc của huyện, xin hỏi việc cắt lô cho thuê này có đúng với luật pháp không?”.
Đọc xong lá thư, nhiều câu hỏi đặt ra với tôi. Số đất 103 héc-ta xã cắt của thôn Hiền Sĩ xã sẽ giao cho ai? Ai là người xứng đáng được sử dụng hơn một trăm héc-ta này, có đúng đối tượng không? Hay số đất ấy sẽ đi đâu mà dân không được biết. Việc chuyển đổi đất canh tác sang đất thổ cư sao xã lại làm sai luật lệ đến thế, dân không được bàn bạc, sao huyện lại ký dù không là quyết định của huyện, và tỉnh chưa xác định theo luật thì số đất chuyển đổi này liệu có được thực hiện không?
Việc quy hoạch
xây dựng nông thôn mới ở xã Phong Sơn, theo thư của ông Lê Văn Bang thì đây mới chỉ là sự bê bối của cán bộ xã Phong Sơn đối với thôn Hiền Sĩ, còn các thôn khác trong xã như Tứ Chánh, Hiền An, Thanh Tân, Công Thành, Sơn Quả,... và các thôn khác trong xã ra sao?
Với những thông tin như trên, đề nghị UBND huyện Phong Điền nhanh chóng cử đoàn thanh tra của huyện về ngay xã Phong Sơn kiểm tra việc xây dựng phong trào nông thôn mới ở đây.
Yêu cầu của việc
xây dựng nông thôn mới là nhanh chóng ổn định việc canh tác, trồng trọt ở nông thôn, nhanh chóng đưa đời sống của người nông dân bước sang một giai đoạn mới, không chỉ tăng năng suất cây trồng mà phải mau chóng đưa đời sống người nông dân ngày một giàu lên trông thấy, nông nghiệp Việt Nam bước sang một giai đoạn mới.
Khẩu hiệu “Ý Đảng, lòng dân” là một triết lý của sức mạnh và chiến thắng. Làm như ở Phong Sơn, dân không yên tâm sản xuất, không làm chủ được sự nghiệp của mình, mâu thuẫn với cán bộ lãnh đạo xã thì làm sao đổi mới nông thôn được?
Nguyễn Quang Hà