Áp dụng kỹ thuật cao vào điều trị, giúp bệnh nhân có thế tiếp cận được dịch vụ y tế chất lượng cao, tránh những biến chứng, hồi phục sớm, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị… Đó là một trong những tiêu chí mà BV Đại học Y Dược (BV ĐHYD) TPHCM đặt ra.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định
Một ca phẫu thuật nội soi tim tại BV ĐHYD
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, ngành phẫu thuật tim đã có 3 đột phá về kỹ thuật trong phẫu thuật điều trị bệnh tim mạch, ứng dụng thành công 3 kỹ thuật phẫu thuật theo hướng ít xâm lấn, đã gây tiếng vang lớn trong trong giới tim mạch cả nước và bạn bè quốc tế.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin về 3 kỹ thuật phẫu thuật tim mạch hiện đại này, Báo Khoa Học Phổ Thông số cuối tuần - Chuyên đề Sức khỏe đã gặp PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định, trưởng khoa phẫu thuật tim mạch BV ĐHYD, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định cho biết:
Thay van tim động mạch chủ bằng vật liệu từ chính cơ thể bệnh nhân
Đây là một phương pháp mới vừa được BV ĐHYD triển khai, phương pháp này sử dụng vật liệu từ chính cơ thể của bệnh nhân để điều trị cho bệnh nhân. Phương pháp mới này, được chỉ định đối với bệnh nhân thay van động mạch chủ.
Van động mạch chủ là cửa ra để tim bơm máu đi nuôi cơ thể, đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của hệ tim mạch. Van có thể bị tổn thương từ lúc mới chào đời (bẩm sinh), tổn thương do hậu quả của thấp khớp (van hậu thấp) hoặc tổn thương do tuổi tác của bệnh nhân (van thoái hóa).
Trước đây, thay van động mạch chủ cần sử dụng van nhân tạo, bao gồm hai loại là van cơ học và van sinh học. Van cơ học được thiết kế đặc biệt với hai đĩa có tính di động cao, vật liệu là hợp kim carbon, với ưu điểm là sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, sau khi thay van, bệnh nhân phải sử dụng Thu*c kháng đông mỗi ngày và suốt đời để giúp máu loãng và tránh biến chứng huyết khối hình thành trên cánh van gây kẹt van.
Hạn chế của hướng chữa trị này là nếu uống Thu*c kháng đông quá liều, bệnh nhân có thể bị rối loạn đông máu gây chảy máu nhiều nơi, nặng nhất là xuất huyết não, hoặc xuất huyết trong đường tiêu hóa, tiết niệu, cơ, khớp... Kể cả khi sử dụng kháng đông đúng liều, bệnh nhân cũng có thể bị kẹt van, hoặc xuất huyết.
Van sinh học được lấy từ màng ngoài tim heo hoặc bò và thiết kế gắn vào khung hợp kim. Ưu điểm của loại van này là sau khi thay van, bệnh nhân chỉ dùng Thu*c kháng đông thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau 10 - 20 năm, van sẽ bị thoái hóa và hư hỏng, buộc bệnh nhân phải mổ lại để thay van khác.
Với sự tiến bộ không ngừng của ngành y, một phương pháp mới khắc phục được những yếu điểm của cả hai loại van tim trên bằng cách sử dụng màng ngoài tim tự thân (màng tự nhiên trong cơ thể nằm bao bọc ngoài trái tim để bảo vệ tim) để chế tác thành van tim như van tim thật của chính bệnh nhân.
Màng ngoài tim có tính chất bền và dai, thích hợp để làm vật liệu tạo hình lá van động mạch chủ và giúp chịu áp lực rất lớn ở cửa ngõ trái tim. Phương pháp này do GS. Ozaki phát minh và đã thực hiện thành công trên hàng ngàn bệnh nhân. Ca đầu tiên được thực hiện cách đây 10 năm, hiện bệnh nhân vẫn sống khỏe mạnh và không cần phẫu thuật lại.
Riêng tại Việt Nam, hiện tại có 2 bệnh viện triển khai kỹ thuật này là Bệnh viện E (Hà Nội) và BV ĐHYD TPHCM. Các bác sĩ tại BV ĐHYD đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật mới này. Sau 2 tháng triển khai, khoa đã phẫu thuật thành công 5 ca (3 ca người lớn và 2 ca trẻ em).
Phương pháp này phù hợp cho bệnh nhân trẻ khoảng 10 - 12 tuổi, do van được làm từ chính vật liệu cơ thể người bệnh nên van hoạt động như van thật của bệnh nhân. Do không cần phải sử dụng Thu*c kháng đông, phẫu thuật Ozaki tốt cho bệnh nhân đang độ tuổi sinh sản, an toàn thai nhi do Thu*c kháng đông có thể gây quái thai và phương pháp này thích hợp cho người muốn sau khi thay van tim có cuộc sống bình thường như trước đây, không phải dùng Thu*c kháng đông suốt đời.
Phương pháp phẫu thuật tim ít xâm lấn
Phẫu thuật tim bằng phương pháp nội soi ít xâm lấn là một kỹ thuật giúp bệnh nhân trải qua cuộc phẫu thuật nhẹ nhàng hơn, vì không cần chẻ xương ức mà tiếp cận tim qua một đường mở ngực khoảng 3 - 5 cm.
Ưu điểm của phương pháp này là làm giảm chảy máu, giảm đau sau mổ, giảm thời gian thở máy, nằm viện, và có tính thẩm mỹ cao. Phẫu thuật tim nội soi và ít xâm lấn có thể điều trị được hầu hết các mặt bệnh tim mạch mà phẫu thuật tim hở qua đường mở ngực giữa xương ức có thể thực hiện được. Trong đó nổi bật là phẫu thuật van tim (van 2 lá, van động mạch chủ), phẫu thuật tim bẩm sinh (thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, kênh nhĩ thất...), phẫu thuật điều trị hẹp động mạch vành, bắc cầu động mạch vành...
Tuy nhiên, phương pháp này chống chỉ định đối với những trường hợp xạ trị vùng ngực, lao phổi cũ (phổi bị xơ, dính...), phẫu thuật ở vùng ngực hoặc đã phẫu thuật bắc cầu mạch vành trước đây, trẻ quá nhỏ (cân nặng dưới 16 kg); người có bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp; suy tim nặng...
Phương pháp điều trị không cần phẫu thuật
Điều trị bệnh van tim bằng đường can thiệp được chỉ định điều trị bệnh lý van động mạch chủ, sửa van hai lá mà bệnh nhân không cần phải phẫu thuật. Bác sĩ sẽ luồn những dụng cụ từ động mạch đùi đến động mạch chủ vào trong tim để tiến hành chữa những bệnh lý trong tim. Phương pháp này giúp bệnh nhân tránh được nhiều biến chứng, khả năng thành công cao và phục hồi nhanh hơn, tăng sự thoải mái cho bệnh nhân. Chỉ sau 12 giờ mổ, bệnh nhân có thể ngồi dậy bình thường và đứng dậy đi lại. Phù hợp cho bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân không đủ sức khỏe để phẫu thuật mổ hở.
BS. Hoàng Định cho biết, để ứng dụng thành công những kỹ thuật mới trên đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật tim phải được huấn luyện bài bản, có dụng cụ đặc thù, ê kíp cần có sự thống nhất và phối hợp nhịp nhàng, cần các bác sĩ có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm trong cả tim mạch can thiệp và phẫu thuật tim cùng hội chẩn để đưa ra quyết định đúng đắn và có lợi nhất cho người bệnh.
Bệnh tim mạch tại Việt Nam hiện nay đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Nguyên nhân có thể do sự tăng nhanh của các bệnh lý chuyển hóa (rối loạn lipid máu, tiểu đường) và các thói quen có hại cho sức khỏe (hút Thu*c lá, ít vận động và tập thể dục), ý thức điều trị lâu dài chưa cao (đặc biệt trong điều trị bệnh tăng huyết áp, tiểu đường)... Số liệu khảo sát nghiên cứu của Viện tim mạch Việt Nam ghi nhận: năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp thì năm 2009 tỷ lệ đã là 25,4%; đến năm 2016 đã đạt con số báo động là 46%.
|
Theo Hồng Dung - Khoa học phổ thông