Theo chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, khi người bệnh xuất hiện các dấu hiệu như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều; nước tiểu đục, có lẫn máu, đau bụng dưới, xuất huyết âm đạo (ở nữ giới); xuất tinh ra máu (ở nam giới) thì nên đi khám bác sĩ, để được chỉ định các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh phù hợp, giúp tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
Hệ tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo và lỗ đái) của con người có chức năng rất quan trọng, đó là lọc các chất độc trong máu được sinh ra trong quá trình trao đổi chất ở thận và được đào thải qua nước tiểu. vì vậy, khi mắc phải một số bệnh lý thận tiết niệu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sống của người bệnh, nếu không được điều trị sớm bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề gây nguy hiểm tới sức khỏe của người bệnh.
Để chẩn đoán bệnh thận tiết niệu, ngoài việc thăm khám lâm sàng còn cần phải tiến hành các xét nghiệm, thăm dò cận lâm sàng để khẳng định chẩn đoán. nhiều xét nghiệm, thăm dò cận lâm sàng còn đóng vai trò là “tiêu chuẩn vàng” trong bệnh lý thận tiết niệu. quan trọng nhất là:
1. Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện rối loạn về thận tiết niệu
- Xác định protein niệu: một dấu hiệu chỉ đặc điểm của tổn thương thận.
- Xác định cặn nước tiểu: các thành phần hữu hình trong nước tiểu (hồng cầu, bạch cầu, tế bào biểu mô, tinh thể, trụ niệu).
- Xét nghiệm tìm vi khuẩn niệu và làm kháng sinh đồ: nhằm chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
2. Đo mức lọc cầu thận và đánh giá khả năng cô đặc nước tiểu
Đánh giá mức độ suy thận mạn…
3. Chẩn đoán hình ảnh
- Siêu âm thận, hệ mạch thận
- Chụp X-quang hệ tiết niệu
- Chụp cắt lớp vi tính hệ thận - tiết niệu
- Chụp cộng hưởng từ hệ thận - tiết niệu
- Sinh thiết thận
- Thăm dò chức năng thận bằng đồng vị phóng xạ.
Nguồn: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ
Lần cập nhật cuối: 09:32 12/09/2022 GMT 7