Em muốn đi tiêm ngừa ung thư cổ tử cung và viêm gan siêu vi B. Nhưng đang phân vân không rõ có tiêm cùng lúc được không. Mong Mangyte tư vấn giúp.
Chào bác sĩ, năm nay em 25 tuổi, bây giờ muốn tiêm ngừa: sởi - rubella - quai bị ; ung thư cổ tử cung; cúm.Em tiêm mũi 1 viêm gan B vào 23/7 nhưng do bị thủy đậu nên vẫn chưa tiêm lại mũi 2.Bác sĩ cho em hỏi, các nốt thủy đậu đã khô và bong vẩy thì khi nào em tiêm ngừa lại được bình thường?
Và em định tiêm lần tới là ung thư cổ tử cung mũi 1, viêm gan B mũi 2; tháng kế tiếp thì tiêm sởi - quai bị - rubella, cúm.Tiêm sởi - quai bị - rubella bao nhiêu mũi? Nếu lịch tiêm chung như vậy thì có sao không? Những phản ứng phụ cho mỗi loại vaccin là như thế nào? Vì tháng trước tiêm mũi 1 gan B hay là do uống Thu*c thủy đậu, người nóng nên tháng này em bị trễ kinh.Mong bác sĩ tư vấn giúp và trả lời sớm. Xin cảm ơn nhiều!
(Nguyen Yen)
Ảnh minh họa
Chào em,
Trước khi có gia đình em chuẩn bị tiêm ngừa như vậy là rất tốt. Các nốt thủy đậu đã khô bong vảy và em đã phục hồi sức khỏe, ăn uống tốt thì tuần sau em có thể tiếp tục được rồi.
Vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung có thể tiêm cùng lúc với vắc xin ngừa viêm gan siêu vi B.
Vắc xin ngừa sởi - quai bị - rubella là chung một mũi tiêm và ở người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất. Vắc xin ngừa sởi - quai bị - rubella, thủy đậu là các vắc xin sống (virut giảm độc lực) nên mỗi mũi tiêm này cần cách nhau 1 tháng.
Vắc xin cúm dạng tiêm là vắc xin bất hoạt (virut đã ch*t) nên có thể tiêm cùng các vắc xin khác.
Vắc xin nói chung là an toàn, tuy nhiên vắc xin nào cũng có thể có tác dụng phụ như sưng, đau tại chỗ, mẫn đỏ ngứa, sốt nhẹ. Trường hợp nặng gây sốc phản vệ (mạch nhanh, huyết áp tụt, khó thở, tím tái…) nhưng rất hiếm.
Về vấn đề trễ kinh, tháng này có thể do tình trạng bệnh thủy đậu, cơ thể mệt mỏi ảnh hưởng. Em đừng lo lắng nhé.
Thân mến! BS Chuyên khoa của AloBacsi