Huyết hư là một nguyên nhân gây táo bón biểu hiện sắc mặt nhợt nhạt, hay hoa mắt chóng mặt, trí nhớ giảm sút, dễ hồi hộp trống ngực, chất lưỡi nhợt, mạch tế nhược, thường trong tình trạng thiếu máu...
Theo SKĐS, trong y học cổ truyền, táo bón có nhiều thể bệnh khác nhau. Tùy từng thể sẽ có những bài Thuốc chữa phù hợp.
Nguyên nhân gây huyết hư
Huyết hư là một nguyên nhân gây táo bón với biểu hiện: đại tiện táo, sắc mặt nhợt nhạt, hay hoa mắt chóng mặt, trí nhớ giảm sút, dễ hồi hộp trống ngực, chất lưỡi nhợt, mạch tế nhược, thường trong tình trạng thiếu máu...
Huyết tức huyết dịch, hay còn gọi là máu. Tác dụng chủ yếu của huyết dịch là làm ẩm và đưa chất dinh dưỡng tới toàn bộ cơ thể. Huyết dịch vận hành trong mạch, bên trong đưa đến tạng phủ, bên ngoài đưa tới da thịt gân cốt, vận hành liên tục không ngừng nghỉ, chạy khắp toàn thân, có tác dụng đưa dinh dưỡng toàn bộ các cơ quan tổ chức trong cơ thể.
Thiếu máu (huyết không đủ) - thể chất huyết hư.
Khi nếp sinh hoạt được duy trì bình thường, huyết dịch phát huy tác dụng bình thường, khi làm việc tinh thần hưng phấn, khi nghỉ ngơi, cả hai cũng tự nghỉ ngơi, chuẩn bị lượng huyết mới cho ngày làm việc tiếp theo.
Khi cơ thể mệt mỏi, tức là đã sử dụng huyết dịch quá nhiều. Huyết dịch của ngày hôm nay đã dùng cạn, cần phải nghỉ ngơi để tái tạo, nhưng cơ thể lại không cho chúng có thời gian để tái tạo, nên vào ngày làm việc hôm sau lượng huyết còn lại cung không đủ cầu. Cứ thế lâu dần sẽ khiến thể chất hư, huyết cũng hư (Huyết không đủ: thể chất huyết hư).
Món ăn bài Thuốc trị táo bón với thể huyết hư
Dùng 1 trong số món ăn - bài Thuốc sau:
Bài 1: Chuối tiêu chín 500 g, vừng đen 25 g.
Cách dùng: Vừng đen rang thơm, giã vụn, ăn chuối chấm vừng đen, chia làm 3 lần trong ngày.
Công dụng: dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận tràng thông tiện.
Bài 2: Quả dâu chín (tang thầm) 500 g, sinh địa 200 g, mật ong lượng vừa đủ.
Cách dùng: Sắc kỹ tang thầm và sinh địa 2 lần, lấy hai nước hợp lại, cô nhỏ lửa cho thành dạng cao đặc, chế thêm mật ong, đun sôi một lát là được, để nguội, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 20 ml.
Công dụng: dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận tràng thông tiện.
Bài 3: Tùng tử nhân 50 g, hạch đào nhân 50 g, mật ong 500 ml.
Cách dùng: Tùng tử nhân và hạch đào nhân bỏ vỏ, sao khô, tán bột hòa với mật ong, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 20 ml.
Công dụng: Dưỡng âm nhuận tràng.
Bài 4: Tùng tử nhân 20 g, gạo tẻ 60 g.
Cách dùng: Đem tùng tử nhân tán vụn rồi ninh với gạo thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: Dưỡng âm, nhuận tràng.