Viêm khớp nhiễm khuẩn do vi khuẩn có mặt ở trong khớp, trực tiếp gây bệnh.
Biểu hiện của viêm khớp nhiễm khuẩnVi khuẩn gây viêm khớp hay gặp nhất là tụ cầu, liên cầu, phế cầu... Vi khuẩn xâm nhập vào khớp có thể từ đường máu do một ổ nhiễm khuẩn ở cơ quan khác hoặc nhiễm khuẩn huyết hay từ các ổ viêm nhiễm cạnh khớp theo đường bạch huyết hoặc tĩnh mạch vào khớp; từ các vết thương thấu khớp hoặc các thủ thuật như tiêm vào khớp mà vô khuẩn không tốt...
Khi bị
viêm khớp nhiễm khuẩn, người bệnh có biểu hiện sốt, gai rét. Tại khớp thấy sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp viêm, giai đoạn muộn đã có mủ khớp thì sưng thường lan rộng và đau kiểu nhức mủ. Tụ cầu thường gây viêm một khớp đơn độc, ít khi hai khớp và rất ít khi viêm hai khớp đối xứng. Vị trí viêm đứng đầu là khớp gối, rồi đến khớp háng, sau đó là các khớp khác. Người bệnh có biểu hiện đau nhiều kiểu nhức mủ, đau liên tục nhất là khi vận động thì đau trội cho nên không dám và không thể vận động. Bệnh nhân có xu hướng giữ khớp ở tư thế cố định nửa co, thường phải độn chân hoặc đệm ở bên dưới để tránh đau. Khi thăm khám thấy sưng rõ rệt, da ngoài đỏ, và căng, sờ vào nóng, rất đau, vận động mọi động tác đều hạn chế vì đau. Nếu không được điều trị, các triệu chứng ở khớp kéo dài và tăng dần, không bao giờ di chuyển sang khớp khác hoặc giảm đi một cách nhanh chóng, đây là một đặc điểm quan trọng để phân biệt với các bệnh khớp khác. Bên ngoài khớp, phần gốc chi có khớp bị viêm thường nổi hạch sưng và đau (ở bẹn, nách), nếu bệnh kéo dài có teo cơ ở phần chi gần khớp do ít vận động.
Cách phân biệt
Trong giai đoạn đầu của bệnh cần phân biệt với bệnh thấp khớp cấp có biểu hiện viêm nhiều khớp, tính chất di chuyển..., chảy máu khớp trong bệnh Hemophillie (khớp bị sưng và đau dữ dội sau chấn thương, va chạm), bệnh gút cấp tính (viêm đau dữ dội các khớp chi dưới, hay gặp nhất ở bàn ngón chân cái, tiền sử có viêm nhiều đợt, lượng acid uric máu tăng cao), bệnh Reiter (viêm khớp do virus, viêm nhiều khớp xuất hiện sau viêm màng tiếp hợp mắt, niệu đạo và hội chứng lỵ.), tràn dịch khớp không liên tục và viêm khớp nhỏ hay tái phát. Ở giai đoạn sau, khi viêm kéo dài cần chẩn đoán phân biệt với lao khớp, viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp thể một khớp, đợt viêm cấp của thoái hóa khớp.
Điều trị ra sao?
Hiện nay tuy có nhiều Thu*c đặc hiệu, nhưng một số trường hợp chẩn đoán muộn, điều trị không đầy đủ, bệnh thường gây biến chứng viêm từ khớp lan rộng sang sụn khớp và đầu xương gây trật khớp một phần hay toàn phần; phá hủy sụn khớp gây dính khớp, mất chức năng vận động; vi khuẩn từ khớp qua vùng xương lân cận gây viêm xương, cốt tủy viêm kéo dài dai dẳng, điều trị rất khó khăn; viêm ở vùng cột sống gây chèn ép tủy sống, gây gù vẹo cột sống; vi khuẩn ổ viêm khớp đi tới các bộ phận khác gây viêm, áp xe (gan, phổi, thận). Do đó, để tránh những biến chứng này, người bệnh cần được chẩn đoán sớm, dùng ngay kháng sinh đường tĩnh mạch, dẫn lưu mủ khớp khi cần thiết, bất động khớp tương đối có thể ngăn chặn được tình trạng huỷ hoại khớp. Cần thực hiện ngay việc cấy máu, lấy dịch khớp, làm xét nghiệm dịch khớp nhanh bằng phương pháp soi tươi nhuộm gram tìm vi khuẩn trước khi dùng kháng sinh.
Khi đã có mủ khớp cần dẫn lưu mủ và các chất bẩn bên trong dịch khớp để giảm nguy cơ hoại tử khớp, loại bỏ những chất gây viêm. Nội soi rửa khớp có thể tiến hành ngay hoặc sau khi hút dịch khớp không có kết quả. Trong một số trường hợp cần phẫu thuật mở khớp để loại bỏ vách ngăn cũng như màng hoạt dịch, sụn khớp hay phần xương bị nhiễm khuẩn. Cần thiết bất động khớp trong thời gian khớp viêm. Lưu ý tập thụ động từng bước cho bệnh nhân có tác dụng chống dính khớp, tuy nhiên cần tránh dồn lực lên khớp tổn thương trong trường hợp triệu chứng viêm chưa kiểm soát tốt.
Dự phòng: Thực hiện vô trùng tuyệt đối khi làm các thủ thuật, phẫu thuật tiến hành tại khớp. Điều trị tốt các nhiễm khuẩn tại các cơ quan khác, đặc biệt tại da, phần mềm và xương cạnh khớp.
BS. Bùi Thị Én