Trong khi bệnh viện công lập tại các tỉnh miền núi phía bắc đang thiếu bác sĩ, thì nhiều bác sĩ đang công tác tại đây lại xin chuyển công tác, xin nghỉ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, nhất là khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Tình trạng bác sĩ nghỉ việc, chuyển công tác đang tạo ra khoảng trống rất lớn đối với công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân tại các tỉnh miền núi khó khăn.
Nhiều bệnh viện thiếu bác sĩ
Vài năm trước, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn có quy mô 500 giường được đầu tư hệ thống chụp mạch Angio một bình diện phẳng hiện đại. Giám đốc bệnh viện Trần Văn Tuyến cho biết, để vận hành được hệ thống này, cần từ năm đến 10 bác sĩ trong mỗi kíp. Thế nhưng, do thiếu bác sĩ trình độ chuyên môn sâu có thể đáp ứng yêu cầu công việc, đến nay đơn vị chưa thể đưa hệ thống này vào khám, chữa bệnh cho nhân dân. Hiện nay, bệnh viện đang phải hợp đồng với chuyên gia từ Viện Tim Hà Nội và một bệnh viện ở Thái Nguyên để đào tạo, chuyển giao công nghệ. Bác sĩ Tuyến cho biết thêm, hằng năm vẫn có tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn tốt, gắn bó lâu với bệnh viện xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc. Riêng năm 2021, một bác sĩ là Trưởng khoa Hồi sức tích cực đã xin chuyển công tác về Hà Nội. Bệnh viện đang thiếu bác sĩ chuyên môn sâu các lĩnh vực thần kinh, lao, bệnh phổi, da liễu, y học cổ truyền... ảnh hưởng tới lộ trình phát triển, áp dụng kỹ thuật cao để giảm tải cho tuyến trên.
Điều đáng nói là từ năm 2009, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai chính sách cử đi đào tạo bác sĩ theo địa chỉ để khắc phục nhưng không mang lại kết quả như mong đợi. Theo cơ chế này, tỉnh bỏ tiền đưa người đi học bác sĩ với cam kết khi học xong sẽ trở về phục vụ tỉnh. Từ năm 2009 đến 2019, Bắc Kạn đã cử 109 người đi đào tạo bác sĩ tại Học viện Quân y và Trường đại học Y dược Thái Nguyên. Tuy nhiên, tỉnh chỉ tuyển dụng được 70 em trong số này, số còn lại đều tới công tác ở các thành phố lớn. Một số em sau khi được tuyển dụng vào làm tại cơ sở y tế trong tỉnh một thời gian thì lại chấp nhận đền bù kinh phí đào tạo để được thôi việc. Theo Sở Y tế Bắc Kạn, trong số bác sĩ đào tạo theo địa chỉ đã có năm người chấp nhận đền bù kinh phí đào tạo để thôi việc. Hầu hết các trường hợp sau khi thôi việc ở Bắc Kạn đều đã có việc làm mới tại cơ sở y tế ở các thành phố lớn như Thái Nguyên, Hà Nội. Ngoài ra, một số nhân viên y tế ở các trung tâm y tế huyện sau đào tạo nâng cao trình độ thì xin chuyển về cơ sở y tế ở thành phố Bắc Kạn hoặc các huyện khác.
Tỉnh Bắc Kạn, từ năm 2016 tới nay, có tới 48 viên chức y tế xin thôi việc, trong đó có tới sáu bác sĩ chuyên khoa II và 18 bác sĩ đa khoa. Số viên chức y tế xin chuyển vùng là 17 người, trong đó có hai bác sĩ chuyên khoa II, năm bác sĩ chuyên khoa I, bốn bác sĩ đa khoa và một bác sĩ y học dự phòng.
Tại Lai Châu, trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm, tập trung phát triển nguồn nhân lực y tế. Tính đến ngày 15/12/2021, số lượng bác sĩ trong tỉnh là 518 người; đạt tỷ lệ 10,85 bác sĩ/vạn dân. Mặc dù con số này là rất cao (năm 2004 khi mới chia tách tỉnh, Lai Châu chỉ có 80 bác sĩ, với tỷ lệ khoảng ba bác sĩ/vạn dân), nhưng vẫn có số lượng lớn bác sĩ nghỉ việc, chuyển về xuôi hoặc không về nhận công tác sau khi học xong. Theo số liệu của Sở Y tế Lai Châu, từ năm 2013 đến nay, có 98 bác sĩ xin nghỉ việc, chuyển hoặc bỏ việc...
Có nhiều nguyên nhân khiến bác sĩ nghỉ việc, chuyển việc, nhưng chủ yếu là do quá tải công việc, quá tải bệnh nhân, môi trường làm việc căng thẳng, trong khi đó, chế độ tiền lương, thưởng theo chức danh nghề nghiệp và phụ cấp khác tính theo lương tối thiểu chung còn thấp. Ở các địa bàn khó khăn, hệ thống y tế tư nhân chưa phát triển, cho nên bác sĩ hầu như không có việc làm thêm, thu nhập thêm. Bên cạnh đó, các tỉnh còn thiếu chế độ thu hút, chậm chuyển ngạch, bậc, thăng hạng cho bác sĩ sau khi được cử đi đào tạo. Có những trường hợp học xong phải chờ đến gần 10 năm mới có đợt thi hoặc xét nâng hạng, chuyển ngạch. Đơn cử như giai đoạn từ năm 2014 đến 2020, Lai Châu có hơn 100 bác sĩ đã học xong hệ liên thông về công tác, nhưng chưa được chuyển ngạch, nâng bậc do vướng mắc về cơ chế, thủ tục. Phần lớn những trường hợp này sau khi học xong quay về công tác đều làm chức trách, nhiệm vụ của bác sĩ, nhưng chỉ được hưởng mức lương, phụ cấp của y sĩ, y tá... Chính vì vậy, một số người tìm cách xin chuyển công tác về các tỉnh đồng bằng, hoặc các thành phố lớn, có người xin chuyển không được thì sẵn sàng bỏ việc.
Ca mổ nội soi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn.
Xây dựng chính sách giữ chân bác sĩ giỏi
Thiếu hụt nhân lực y tế chất lượng cao là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới chất lượng cung cấp dịch vụ y tế ở các tỉnh miền núi phía bắc chưa cao. Tỷ lệ thực hiện kỹ thuật theo phân tuyến tại tuyến y tế cơ sở khám, chữa bệnh còn thấp so với phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế. Năng lực của cán bộ y tế hạn chế, một số đơn vị thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu, cán bộ làm công tác quản lý có kinh nghiệm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến. Tại tuyến huyện, tỷ lệ bác sĩ có trình độ sau đại học còn quá thấp, chủ yếu là bác sĩ trẻ mới ra trường. Kinh nghiệm còn ít, chưa được tham gia đào tạo chuyên sâu, năng lực thực hiện các kỹ thuật còn hạn chế, một số bác sĩ trẻ chưa đủ thời gian khám, chữa bệnh để đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề... nên trong công tác khám, chữa bệnh và triển khai các loại hình dịch vụ y tế còn có những sai sót.
Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Việt Bắc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) cho biết, từ năm 2006 đến nay, trung tâm này có 14 bác sĩ chuyển vùng ra khỏi địa bàn và hiện đơn vị này đang thiếu bác sĩ chuyên khoa sản, ngoại, nội, nhi, gây mê, răng-hàm-mặt... vì thế nhiều thủ thuật kỹ thuật chuyên môn tại trung tâm chưa thực hiện được, phải chuyển tuyến trên điều trị gây tốn kém. Từ đó, số người khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế giảm, người dân khó tiếp cận những dịch vụ y tế kỹ thuật cao có chi phí lớn, ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Việc mất dần bác sĩ, nhân viên y tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp càng tạo thêm áp lực cho cơ sở y tế trên địa bàn các tỉnh. Hiện tại, tình hình dịch bệnh tại Bắc Kạn, Lai Châu vẫn được kiểm soát tốt, nguy cơ thấp, nhưng nếu có đột biến, bùng dịch trên diện rộng thì các tỉnh rất khó xoay xở.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn Tạc Văn Nam cho biết, ngành đang tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện các chế độ chính sách đối với công chức, viên chức y tế. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực và đầu tư trang, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và khám, điều trị. Từng bước triển khai cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng thêm nguồn thu nhập đối với nhân viên y tế, nhất là các bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu. Sở sẽ tiếp tục tuyển dụng, phân bổ số lượng người làm việc tại các đơn vị bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng hoạt động khám, chữa bệnh. Lãnh đạo Sở Nội vụ Bắc Kạn cho biết, ngành cũng đã tham mưu tỉnh xây dựng chính sách, cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh, trong đó có nhân viên y tế. Tuy nhiên, do phải chờ hướng dẫn của Trung ương nên chính sách này chưa ban hành được. Khi có hướng dẫn, ngành sẽ tham mưu tỉnh xây dựng để sớm trình HĐND tỉnh thông qua.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu Nguyễn Thế Phong, để giữ chân bác sĩ giỏi, ngoài chính sách thu hút, hỗ trợ, đãi ngộ, cũng cần đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ y tế tại tỉnh, để nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân và tăng thêm thu nhập cho cán bộ y tế. Quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ bác sĩ bằng cơ chế hỗ trợ họ khi đi học. Ngoài ra, cần xem xét có các chính sách hỗ trợ khác như chế độ ưu tiên nhà ở công vụ cho bác sĩ mới nhận công tác, hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà khi chưa có nhà ở trong thời gian 5 năm...