Đến thăm Trung tâm Y tế huyện Tam Đường hôm nay là một một diện mạo hoàn toàn mới.
bệnh viện khang trang, sạch đẹp, cơ bản bố trí đủ số phòng làm việc và các khoa lâm sàng…
Cùng với đó, các máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại cũng được đầu tư mua sắm đồng bộ như: máy Xquang, siêu âm, nội soi tai - mũi - họng, nội soi dạ dày, máy gây mê kèm thở, mornitor theo dõi...
Người dân vùng sâu, vùng xa của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã tin tưởng cán bộ y tế khi có bệnh.
Là bệnh viện hạng III, đến nay, toàn Trung tâm Y tế huyện có 278 biên chế (tăng 3,5 lần so với khi mới thành lập), trong đó có 26 bác sĩ, đạt 4,6 bác sĩ/vạn dân (tăng gần 9 lần so với khi thành lập), 2 dược sĩ đại học, đạt 0,36 dược sĩ/vạn dân. Số cán bộ được đào tạo chuyên khoa sâu về chuyên môn gồm: 1 bác sĩ chuyên khoa I Nội, 2 bác sĩ chuyên khoa I Sản, 1 bác sĩ chuyên khoa I Y học dự phòng, 2 bác sĩ đang theo học chuyên khoa I và chuyên khoa định hướng về gây mê, hồi sức cấp cứu; trong thời gian tới tiếp tục cử 1 bác sĩ đi học chuyên khoa I về Ngoại chấn thương, 1 chuyên khoa sơ bộ về Ngoại ổ bụng, 1 chuyên khoa sơ bộ về Nhi.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế còn tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Tính đến hết năm 2018, Trung tâm Y tế Tam Đường đã thực hiện được 81,21 % số danh mục kỹ thuật phân tuyến hạng III và 387 kỹ thuật vượt tuyến. Song song với đó, là việc cải cách quy trình khám chữa bệnh theo hướng nhanh gọn hơn, thủ tục hành chính được tinh giảm từ 12 bước trước đây xuống còn 6 bước, giúp cho thời gian khám bệnh giảm xuống hiện tại không quá 2,5 giờ/1 người bệnh.
Từ khi tham gia vào Đề án Bệnh viện vệ tinh, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường - một trong những cơ sở tuyến huyện ở miền núi tỉnh Lai Châu đã làm chủ được kỹ thuật phẫu thuật nội soi, giúp người dân tiếp cận với dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao.
Với sự hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật của các bác sĩ BV E, trực tiếp là PGS.TS. Đỗ Trường Sơn, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, BV E, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường đã triển khai thành công phẫu thuật cắt túi mật nội soi. PGS.TS. Đỗ Trường Sơn cho biết, các bác sĩ BV E đã huấn luyện cho các bác sĩ Khoa Ngoại sản, BVĐK huyện Tam Đường các ca bệnh viêm túi mật từ chẩn đoán, chuẩn bị bệnh nhân, sử dụng các trang thiết bị, máy móc trong phẫu thuật nội soi, đặc biệt trong phẫu thuật nội soi túi mật một cách thuần thục và an toàn. Sau ca mổ, các bác sĩ phải biết cách theo dõi, chăm sóc hậu phẫu cho bệnh nhân vừa được phẫu thuật nội soi.
Cùng dưới sự hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật của ThS.BSCKII. Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng khoa Phụ sản, BV E, các bác sĩ Tam Đường đã thực hiện thành công phẫu thuật nội soi bóc u nang buồng trứng phải cho bệnh nhân Lò Thị Xạm. Bệnh nhân Xạm được chẩn đoán u nang buồng trứng phải, kích thước 35mm x 36mm. BS. Phan Thị Tắn (Trưởng khoa Ngoại sản) cùng với BS. Quyết của BVĐK huyện Tam Đường là các phẫu thuật viên đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt bỏ u nang buồng trứng cho bệnh nhân thành công chỉ trong thời gian ngắn.
Theo ThS.BS. Kiều Oanh, không chỉ hướng dẫn tận tình kỹ thuật phẫu thuật nội soi cho các bác sĩ BVĐK huyện Tam Đường, các bác sĩ BV E còn thăm khám, siêu âm và hội chẩn các ca bệnh khó như vô sinh hiếm muộn, u nang buồng trứng, viêm mủ vòi trứng mạn tính, băng huyết tuổi mãn kinh...
BSCKI. Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết, kể từ năm 2018, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường trở thành một trong 15 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E. Nhờ đó, khi triển khai phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân đã giúp cho người bệnh tiếp cận được kỹ thuật cao ngay tại tuyến huyện, không phải đi xa, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
“Đến nay, chúng tôi đã phẫu thuật thành công cho rất nhiều ca bệnh: viêm ruột thừa, viêm phúc mạc ruột thừa, u nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung, viêm túi mật mạn tính... Các ca mổ đều an toàn, không có biến chứng sau phẫu thuật, tạo được niềm tin đối với nhân dân”, BS. Hương nói.
Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ quy tắc, lề lối làm việc của các y bác sĩ mà tỷ lệ bệnh nhân thăm khám và điều trị tại bệnh viện thay đổi rõ rệt. Những năm trước, lưu lượng bệnh nhân bình quân đến khám tại bệnh viện là khoảng 50-60 bệnh nhân/ngày, điều trị nội trú từ 20-30 bệnh nhân/ngày. Nhưng đến nay, đã có sự thay đổi đáng kể, người bệnh cảm thấy hài lòng và yên tâm khi đến khám và chữa bệnh tại trung tâm. Trung bình một ngày Trung tâm Y tế huyện Tam Đường tiếp nhận từ 150-200 bệnh nhân đến thăm khám và khoảng 100-120 bệnh nhân đến điều trị bệnh nội trú có tháng cao điểm lên tới 180 bệnh nhân.
Hệ thống y tế cơ sở tuyến xã đã được củng cố và kiện toàn. 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 100% bản có y tế bản hoạt động. Cơ sở vật chất tuyến xã cũng dần được đầu tư xây mới và nâng cấp, sửa chữa. Hiện tại, 13/14 trạm y tế xã đã đạt Chuẩn Quốc gia. Nếu như nhiều năm về trước, máy siêu âm được coi là “xa xỉ” ở tuyến huyện, thì nay, ngay tuyến xã, người dân đã được thụ hưởng dịch vụ này nhờ hiệu quả Đề án Bệnh viện vệ tinh trong việc đưa bác sĩ cùng với các máy móc, thiết bị hiện đại (máy siêu âm, ghế răng, điện tim) tăng cường cho các Trạm y tế xã, giúp cho nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật chất lượng ngay tại cơ sở.
Bước chuyển mình mạnh mẽ của Trung tâm Y tế huyện Tam Đường là chỉ dấu cho thấy Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế đã thực sự vì dân, do dân!
Mai Hương